Trong kinh doanh, việc liên kết giữa các doanh nghiệp (DN) là tất yếu. Đặc biệt trong quá trình hội nhập kinh tế diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng thì liên kết kinh doanh ngày càng phổ biến và hình thành liên kết xuyên quốc gia.
Ở Bắc Giang, các DN dệt may chủ yếu liên kết với DN nước ngoài, gia công sản phẩm cho đối tác nhờ lợi thế nhân công giá rẻ. Các công ty may nhận nguyên liệu từ đối tác hoặc nhập nguyên liệu theo yêu cầu và sản xuất theo thiết kế, đơn hàng. Tương tự, các công ty sản xuất vật liệu xây dựng như Công ty cổ phần Tân Xuyên, Công ty cổ phần gạch Bích Sơn… cũng liên kết với nhiều DN cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào, đồng thời liên kết với đối tác cung ứng, tiêu thụ sản phẩm. 
 
Mới đây, sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã rau an toàn Đa Mai (TP Bắc Giang) đã liên kết với một số siêu thị tại Hà Nội và Big C đưa sản phẩm vào phân phối. Các liên kết này được quy về ba dạng, đó là liên kết ngang gồm các nhà sản xuất cùng một loại sản phẩm hoặc liên kết dọc giữa các nhà sản xuất các loại sản phẩm có liên quan với nhau, thường là liên kết các đơn vị sản xuất trung gian và sản phẩm cuối cùng. Cuối cùng liên kết khối, tức liên minh giữa các nhà sản xuất những sản phẩm không liên quan đến nhau.
 
Đơn cử, muốn có sản phẩm giấy viết, giấy vệ sinh, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang phải liên kết với các DN sản xuất bột gỗ, bột giấy trong nước hoặc nhập từ đối tác nước ngoài. Cùng đó, đơn vị còn liên kết với DN trong nước sản xuất bột đá, bột sắn (thành phần quan trọng trong cơ cấu nguyên liệu sản xuất giấy), mỗi loại nguyên liệu từ hai đến ba bạn hàng. Chưa kể khi đã có sản phẩm, Công ty phải xây dựng hệ thống phân phối trên toàn quốc. Đại diện lãnh đạo DN cho rằng, đối tác là chỗ dựa quan trọng trong làm ăn, mối liên kết này quyết định sự thành bại của DN. Mỗi mối liên kết ngang cũng cần vài đối tác để lựa chọn phương án tối ưu, tránh rủi ro, DN phải xây dựng được các mối liên kết trên nền tảng bền vững, cùng có lợi.
 
Các liên kết diễn ra trong phạm vi rộng trên thị trường cạnh tranh sẽ chiếm ưu thế, liên minh các DN có thể hạn chế được sản lượng để tăng giá bán. Nhiều chuyên gia kinh tế phân tích, DN xác định liên kết với các đơn vị khác để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh chính, nhất là DN khởi nghiệp thì lãnh đạo DN phải nắm rõ một số nội dung liên quan như: Công việc cụ thể, thời gian liên kết, đối tượng, phương thức liên kết… DN cần xem xét kỹ từng công đoạn sản xuất cụ thể, đầu vào và đầu ra sản phẩm, quá trình phân phối, bảo hành, chăm sóc khách hàng. Từ đó mới có thể đánh giá liên kết nào kém hiệu quả, cần cải thiện, “mắt xích” nào tốt thì phát huy. Một đối tác liên kết thích hợp cần phù hợp với mục tiêu, chiến lược kinh doanh, tiềm lực tương xứng và cùng nhau phát triển giá trị DN.
 
Theo Bảo Khánh, BGĐT