Năm 2010, tỉnh Nghệ An bắt đầu ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào nông nghiệp. Nhu cầu phát triển lĩnh vực này rất lớn nhưng đang gặp nhiều rào cản về nguồn vốn, chính sách, đất đai và đầu ra cho sản phẩm.
Nghệ An hiện có trên 1,4 triệu ha đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông - lâm -ngư nghiệp (88,8% diện tích đất tự nhiên). Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 303.919ha; trên 1,1 triệu ha đất lâm nghiệp; trên 9.500ha đất nuôi trồng thủy sản và 879,5ha đất diêm nghiệp.
Chè (8.200ha), cao su (12.200ha) và cam (4.700ha); tổng đàn gia súc, gia cầm, diện tích nuôi trồng thủy sản xếp tốp đầu cả nước… là những chỉ số cho thấy việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp của địa phương là điều hết sức cần thiết và đầy tiềm năng.
 
Những năm qua, với việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp Nghệ An luôn đạt mức cao. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 4,36%; sản lượng lương thực cây có hạt trên 1,2 triệu tấn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 221.000 tấn; tổng sản lượng thủy sản 166.000 tấn…
 
Tuy nhiên, việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp chưa thực sự xứng với tiềm năng. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Nghệ An, từ 2010 đến nay, Nghệ An có 9.502ha ứng dụng CNC, chiếm 3,1% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó có 6.768ha do dân đầu tư, 2.734ha do doanh nghiệp đầu tư; giá trị sản xuất bình quân đạt 200 - 250 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2 - 3 lần so với sản xuất nông nghiệp đại trà. Tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm 5 - 10% giá trị sản xuất nông nghiệp; năng suất, giá trị sản phẩm cây trồng vật nuôi ứng dụng CNC tăng 20 - 40%, lợi nhuận cho người sản xuất tăng trên 30% so với doanh thu.
 
Trên địa bàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp hoạt động KH-CN và ứng dụng CNC trong nông nghiệp. Các công nghệ tiên tiến được áp dụng như công nghệ giống; công nghệ nhà kính hiện đại; công nghệ thông tin điều khiển tự động về tưới tiết kiệm nước, nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng, ánh sáng.
 
Đa phần người dân khi tham gia ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp gặp phải là khó khăn trong việc tiếp cận vốn và diện tích đất sản xuất. Mức đầu tư mỗi ha rau ứng dụng CNC 4 - 6 tỷ đồng là chi phí lớn đối với nhà nông nếu cơ chế chính sách không được thực hiện kịp thời. 
 
Doanh nghiệp khi ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là cơ chế thuê đất sản xuất.
 
 
Nông nghiệp công nghệ cao cần cú hích để phát triển
 
Ông Phạm Văn Tiến, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển nông nghiệp Tâm Nguyên cho rằng, hiện doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC rất thiếu đất để đầu tư sản xuất lâu dài nên không dám đầu tư lớn. Địa phương cấp xã, huyện cũng bị động trong việc phối hợp với doanh nghiệp trong việc xây dựng vùng sản xuất.
 
Một số doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC đã có mạng lưới phân phối sản phẩm tại các siêu thị, cửa hàng... Tuy nhiên đối với nhiều mô hình khởi nghiệp khác, việc tiêu thụ sản phẩm đang hết sức khó khăn... 
 
Chi phí sản xuất cao khiến giá thành sản phẩm cao hơn nhiều lần so với sản phẩm thông thường. Bên cạnh đó, tâm lý người dân chưa đủ niềm tin về sản phẩm an toàn khiến đối tượng của nông sản ứng dụng CNC chưa được phổ rộng.
 
“Khó khăn trong ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp đã được nhận diện. Ngành nông nghiệp Nghệ An đang nỗ lực để việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp ngày càng được ngày càng phổ biến. Tới đây, Sở NN-PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh đề xuất Hội đồng nhân dân tỉnh quyết nghị một số chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp ứng dụng CNC”, ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An cho biết.
 
Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KH-CN Nghệ An cho rằng, đào tạo nhân lực là khâu rất quan trọng để ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Để làm được điều này, Nghệ An có thể gửi nhân lực đi đào tạo trong và ngoài nước; hình thành trung tâm đào tạo nghề nông nghiệp CNC theo hướng thực hành...
 
Theo nongnghiep.vn