"Phải có một cuộc cách mạng trồng rừng". Đó là ý kiến của ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lào Cai về việc bảo vệ, phát triển rừng tại địa phương này.
"Rừng đang đem lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức của người dân cũng như chính quyền địa phương về vai trò của rừng là hết sức cần thiết và liên tục", ông Điệp nói.
Năm 2017, UBND tỉnh Lào Cai đã giao cho ngành lâm nghiệp phát triển và trồng mới trên 7.100ha rừng. Trong đó, rừng phòng hộ phải đạt 600ha, còn lại là rừng SX.
 
6 tháng đầu năm, Lào Cai đã đôn đốc các địa phương tích cực tham gia trồng rừng. Tổng diện tích rừng trồng được trong 6 tháng là 3.308ha, đạt 46,3% kế hoạch năm, bằng 236% cùng kỳ năm 2016. Trong đó, hai huyện trồng rừng vượt tiến độ và kế hoạch đề ra là Bảo Thắng và Bảo Yên.
 
Về công tác sử dụng rừng, tổng doanh thu lũy kế của việc khai thác, chế biến cũng như tiêu thụ sản phẩm toàn tỉnh Lào Cai đạt gần 44 tỷ đồng.
 
Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng được chú trọng, các tổ tuần tra, ứng trực luôn bố trí 24/7 tại các chốt, trạm kiểm lâm. Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ cháy rừng nào gây thiệt hại lớn.
 
Ông Vũ Hồng Điệp đánh giá, qua công tác vận động, tuyên truyền thường xuyên, tới nay, đa phần người dân đã có ý thức, tích cực tham gia công tác trồng cũng như bảo vệ rừng. Tuy nhiên, về lâu dài phải nâng cao giá trị của rừng trồng, có thể bằng việc tăng cường chăm sóc, thâm canh. Nói tầm vĩ mô, đó là phải có một cuộc cách mạng về trồng rừng thực sự.
 
Tại huyện Bảo Yên hiện có 50% diện tích tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp, tương đương khoảng hơn 48.000ha. Vài năm trở lại đây, diện tích rừng ở Bảo Yên đã và đang được đầu tư phát triển những cây trồng có giá trị, nhu cầu thị trường cao, góp phần xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu bền vững cho nhiều hộ dân.
 
Theo Phòng NN-PTNT huyện Bảo Yên, đến thời điểm này, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện đạt 57%. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã trồng mới được trên 11.000 ha rừng SX. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, huyện này đã trồng mới được hơn 1.200ha rừng.
 
Ông Hà Văn Quang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bảo Yên cho biết, với tiềm năng thế mạnh của địa phương, huyện xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp là một trong những mũi nhọn. Hầu hết người dân đều nhận thức được tầm quan trọng của việc trồng cây, trồng rừng. Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học, trồng rừng còn tạo việc làm, tăng thêm thu nhập giúp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Giá trị SX đạt trên 55 triệu đồng/ha.
 
Cách đây hơn 20 năm, ông Hoàng Văn Chức, dân tộc Tày ở bản Vắc, xã Xuân Hòa mạnh dạn chuyển đổi khoảng 2ha sắn, ngô và cây tạp sang trồng cây quế. Rồi cứ lấy ngắn nuôi dài, đến nay toàn bộ diện tích đất của gia đình ông Chức chuyển sang trồng loại cây này.
 
Theo ông Chức, trồng quế nhàn hơn các loại cây trồng khác, nhu cầu thị trường cao, sản phẩm bà con trong bản, trong xã làm ra không đủ cũng ứng cho tư thương. Năm 2015, ông đã bán một đồi quế thu về gần 150 triệu đồng. Tháng 5/2017, ông vừa bán thêm một đồi quế thu về hơn trăm triệu. Hiện ông còn hơn 4ha quế 7 – 10 năm tuổi, trị giá cũng cả tỷ đồng.
 
 
“Trồng quế tuy thời gian cho thu dài (khoảng 10 – 15 năm), tuy nhiên, thời gian từ 4 năm tuổi trở nên chúng tôi cũng đã bắt đầu có thu nhập từ việc tỉa cành bán lá cho các cơ sở chế biến tinh dầu. Gia đình tôi thu nhập từ 70 – 100 triệu đồng từ bán lá quế. Tôi đang tiếp tục triển khai mua giống, làm đất trồng tiếp những diện tích đất còn trống cũng như diện tích đã chặt bán”, ông Chức tâm sự.
 
Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, ông Hoàng Thanh Bình cho biết, toàn xã hiện có 3.400ha đất rừng. Trong đó, người dân chủ yếu trồng quế, một trong những cây có giá trị kinh tế cao, dễ trồng và chăm sóc.
 
“Thực tế cho thấy việc trồng rừng nói chung và trồng quế nói riêng đã cho người dân thu nhập cao hơn nhiều lần trồng các loại cây truyền thống như ngô, sắn… Từ trồng rừng, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm”, ông Bình khẳng định.
 
Còn ông Hà Văn Quang cho biết thêm, để giải quyết đầu ra cho các sản phẩm từ lâm nghiệp, hiện nay trên địa bàn huyện đã có hai nhà máy (một nhà máy SX chế biến tinh dầu quế, một nhà máy chế biến gỗ). Trên thực tế, các sản phẩm từ lâm nghiệp của người dân SX mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% công suất của các nhà máy này.
 
Huyện Bảo Yên đang phối hợp với ĐH Thái Nguyên thực hiện điều tra, nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu cũng như các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, định hướng để người dân trồng và phát triển rừng bền vững.
 
Theo nongnghiep.vn