Chỉ còn 1 tháng rưỡi nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, đây là giai đoạn hoa cúc tết đơm nụ, thời điểm quyết định “thắng, thua” của các nhà vườn.
 

Bà Hồ Thị Hoàng đang thuê 5 nhân công cắm cọc cho cúc.
Năm nay ít mưa, điều kiện thuận lợi cho cúc phát triển, các chủ nhà vườn trồng cúc bán tết ở Bình Định đang kỳ vọng có 1 vụ mùa bội thu.
 
Anh Nguyễn Văn Hiền ở xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước), năm nay mới chỉ 45 tuổi nhưng có đến hơn 20 năm trồng cúc bán tết. Năm nay anh trồng 250 chậu cúc đại đóa, nhờ thời tiết vắng mưa nên vườn cúc của anh đang phát triển sởn sơ, bắt đầu gom nụ.
 
“Trồng cúc sợ nhất là mưa gió. Nếu mưa kéo dài cúc dễ bị tuột lá chân, ra hoa muộn. Cúc mà ra hoa muộn tết thì kể như bỏ đi bởi chẳng ai mua, công cốc cả mấy tháng trời chăm sóc, lại mất cả vốn đầu tư”, anh Hiền bộc bạch.
 
Bà Hồ Thị Hoàng ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định (TX An Nhơn), người đang trồng 750 chậu hoa cúc tết, cho biết tính từ lúc xuống giống đến nay cây cúc đã được hơn 4 tháng tuổi.
 
Với những người chuyên trồng cúc tết, ai cũng có kinh nghiệm “đầy người”, kỹ thuật chăm sóc rất rành, chỉ sợ thời tiết đỏng đảnh gây hại mới đành chịu thua. Bởi, cúc là loại cây “nắng không ưa, mưa không chịu”. Nắng quá thì cây không mướt lá, hoa không đẹp; mưa nhiều thì cây cúc bị úng nước, dập thân, sâu bệnh nhiều, không phát triển.
 
Trong thời gian cây cúc sinh trưởng, dù gặp bất lợi do cơn bão số 5, nhưng nhờ lượng mưa ít nên thời tiết năm nay khá thuận lợi cho cây cúc phát triển. Vụ hoa tết này, người trồng cúc ở Bình Định chủ yếu trồng 2 loại, cúc đại đóa và cúc pha lê, trong đó cúc đại đóa chiếm số lượng nhiều. Hiện tại bà Hoàng đang thuê 5 nhân công cắm cọc chính, tạo dáng để chậu hoa cúc bung cành vun, tròn đều khắp chậu.
 
“Ngoài làm ruộng thì trồng hoa cúc là nghề chính của gia đình tôi hơn mười mấy năm nay. Trồng hoa cúc tuy công cán tốn nhiều, phải chăm chỉ chăm sóc cho cúc hàng ngày để kịp phòng trừ dịch bệnh, nếu hoa phát tốt, bung nở kịp đúng dịp tết thì chắc chắc gia đình sẽ có được cái tết ấm áp vì cúc bán được giá cao”, bà Hồ Thị Hoàng chia sẻ.
 
Anh Nguyễn Văn Tuấn vốn có nghề làm thợ nề, nhưng trong 1 năm anh chỉ đi làm thợ 6 tháng đầu năm, 6 tháng còn lại anh chăm lo trồng cúc hầu mong kiếm thu nhập khá hơn.
 
Giá công thợ xây hiện hơn 250.000 đồng/ngày, khá ổn định, thế nhưng anh vẫn nghỉ để trồng hoa cúc bán tết. Năm nay, vợ chồng anh trồng hơn 400 chậu cúc đại đóa và hy vọng tết này gia đình anh sẽ có cái tết vui vầy vì vườn cúc nhà anh đang phát triển rất tốt, đã gom nụ, đầy hứa hẹn sẽ ra hoa kịp tết.
 
16-32-04_cuc_2.jpg
 
Các chủ nhà vườn ở TX An Nhơn nỗ lực chăm sóc để cúc ra hoa đúng dịp tết.
 
Theo anh Tuấn, người trồng cúc bây giờ không gieo hạt như trước đây, các nhà vườn trồng hiện đều lấy phôi cây giống từ Đà Lạt về trồng. Chậu có đường kính trung bình trồng 40 cây giống, chậu lớn trồng 200 cây. Cúc trải qua nhiều gia đoạn phát triển, quan trọng là những giai đoạn bước ngoặt, cần chế độ chăm sóc hợp lý.
 
Từ khi trồng đến 1 tuần tuổi là lúc bắt đầu vô nước, vô phân chăm sóc. Cúc được 20 ngày tuổi thì các chủ nhà vườn bấm ngọn, chong đèn. Thời gian chong đèn kéo dài đến tuần thứ 7, thứ 8 thì tháo đèn để cúc đơm nụ.
 
Cúc được chong đèn nhằm để cây phát triển nhanh, cành cúc lên thẳng. Đến trung tuần tháng 11 âm lịch cúc bắt đầu gom nụ, các nhà vườn dặm cây con, cắm cọc tre, sửa cây để cúc phát triển đầy đặn và nở hoa đúng tết.
 
“Hiện nay, cúc vừa gom nụ mà thương lái đã dạo mua sỉ. Cúc trồng trong chậu 40cm hiện được các thương lái thu mua với giá bình quân từ 200.000 - 220.000 đồng/chậu, cúc đẹp được mua nhỉnh hơn vài ba chục ngàn/chậu; cúc to trồng trong chậu 50cm được mua với giá từ 300.000 - 320.000 đồng/chậu. Năm nay cúc có giá tương đương năm ngoái.
 
Mong từ nay trở đi trời không mưa để cúc phát triển ra hoa đúng dịp tết. Hầu hết các nhà vườn trồng cúc hiện đang hy vọng sẽ có 1 vụ cúc tết bội thu”, anh Nguyễn Văn Hiền, chủ nhà vườn trồng cúc ở xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) bày tỏ.
 
Theo: nongnghiep.vn