Ruồi đục trái xoài (Oriental fruit fly) có tên khoa học là Bactrocera dorsalis (Hendel), thuộc họ Trypetidae, bộ hai cánh (Diptera). Ruồi đục trái là côn trùng đa thực, gây hại hơn 30 loại cây ăn trái và rau cải.
Có nhiều loài ruồi đục trái, trong đó phổ biến nhất là B. dorsalis, B.coresta, B.cucurbitea.  
 
Thiệt hại
Ruồi đục trái là dịch hại quan trọng ở vùng ôn đới, cận nhiệt đới và nhiệt đới. Nhiều vùng trồng xoài ở Viêt Nam, ruồi gây hại nghiêm trọng. Ruồi thích đẻ trứng trên trái chín, nhưng cũng đẻ cả trên trái còn xanh. Vỏ trái nơi ruồi đục có màu đen, mềm, ứa nhựa hấp dẫn côn trùng, nấm bệnh đến đẻ trứng, gây hại khiến trái bị biến màu, thối.
 
Trái bị ruồi đục có thể rụng trước khi chín hoăc tiếp tục neo trên cây. Nếu trái còn trên cây, giá trị thương phẩm cũng giảm do thịt trái bị thối. Ruồi không chỉ làm giảm năng suất và chất lượng, mà còn khiến xoài không xuất khẩu được vì ruồi là đối tượng kiểm dịch hàng đầu của nhiều nước trên thế giới.  
 
Đặc tính sinh học
Ruồi (thành trùng) dài khoảng 6 - 9mm, sải cánh dài khoảng 8 - 12mm, có màu nâu vàng với các vạch đen trên bụng. Ruồi cái to hơn ruồi đục và có kim đẻ trứng dài, nhọn ở cuối bụng. Ruồi sau khi nở 3 - 4 ngày sẽ bắt cặp và đẻ trứng. Ruồi cái thích đẻ trứng trên trái chín. Một con có thể đẻ 150 - 400 trứng.
 
Khi đẻ, ruồi dùng kim đẻ trứng chích qua da trái nơi tiếp giáp giữa vỏ và thịt trái và đẻ vào từng chùm trứng. Trứng dài trung bình 1,0 - 1,5mm, hai đầu nhọn, hơi cong, trứng mới đẻ có màu trắng, sau chuyển vàng và nở sau 1 - 3 ngày.
 
 

 

 
Ấu trùng (dòi) mới nở có màu vàng nhạt, đục vào thịt trái, ấu trùng càng lớn, càng đục sâu vào trong làm trái bị hư, thối và ứa nước ra ngoài. Giai đoạn ấu trùng xảy ra bên trong trái, kéo dài khoảng 8 - 10 ngày, qua 2 lần lột xác (3 tuổi) trước khi co mình búng ra khỏi trái để hóa nhộng trong đất.
 
Giai đoạn nhộng xảy ra ở lớp đất sâu khoảng 1 - 5cm, kéo dài 7 - 10 ngày, sau đó thành trùng (ruồi) vũ hóa, bay thoát khỏi mặt đất tiếp tục một chu kỳ mới. Vòng đời ruồi đực khoảng 20 - 30 ngày.  
 
Phòng trị
Thu hoạch sớm khi trái vừa chín để tránh ruồi gây hại và lây nhiễm.
 
Không trồng xen ổi, đu đủ, cam quít , nhãn… trong vườn xoài.
 
Bao trái: Khi xoài to độ quả trứng gà nên bao trái, ngoài việc ngừa ruồi đục trái, bao trái còn giúp phòng bệnh thán thư, thối đáy trái, sâu đục hột… Tuy bao trái tốn công sức, thời gian, nhưng tiết kiệm chi phí và làm vỏ trái có màu đẹp, hấp dẫn hơn.
 
Thuốc thảo mộc: Dùng cây é tía/húng quế đâm nhỏ, treo lên cây để dẫn dụ ruồi sau đó phun thuốc trừ sâu.
 
 
 
Vệ sinh đồng ruộng: Thu nhặt và tiêu hủy (đốt hoặc chôn) trái xoài rụng xuống đất cũng như còn sót lại trên cây sau khi thu hoạch vì đó là nơi lưu tồn ruồi.
 
Bẫy dẫn dụ: Dùng trái chuối chín, cam, dứa… trộn với thuốc trừ sâu ( Sec Saigon 5, 10EC, Sherzol EC) để dẫn dụ và diệt ruồi. Đặt 30 - 100 bẫy/1 ha vườn.
 
Phun thuốc hóa học: Có thể phun thuốc Roninda 100SL hay phun dầu khoáng SK Enspray 99EC (0,2%). Nên phun làm 2 lần trong giai đoạn cho trái, lưu ý thời gian cách ly in trên nhãn.
 
Theo nongnhiep.vn