Nấm bào ngư có đặc điểm phát triển rất nhanh trên mạt cưa thật mục, vì thế có thể tận dụng nguồn mạt cưa để sản xuất nấm, vừa tốn ít chi phí mà hiệu quả kinh tế lại cao.
 
Hiện nay giá nấm bào ngư trên thị trường dao động từ 9.000 - 13.000 đồng/kg. Nguyên liệu chính để trồng nấm bào ngư là mạt cưa được làm ẩm bằng nước vôi 1% ủ thành đống, để lên men khoảng 2 - 3 ngày, sau đó trộn đều cho vào núi nylon (loại PE hoặc PP) cỡ 1 - 1,5kg, có cổ bằng nhựa hoặc giấy bìa cứng, chừa miệng rộng 2,5cm cao khoảng 3 - 4cm.
 
Sau khi đem hấp khử trùng khoảng 24 giờ rồi để nguội từ 24 - 28 giờ mới cấy meo giống. Cần chú ý dụng cụ cấy meo phải được khử trùng tránh nhiễm tạp hay mầm bệnh, cuối cùng đậy miệng túi bằng bông gòn không thấm nước rồi đem đi ủ khoảng 25 – 30 ngày, sau đó bắt đầu chuyển sang giai đoạn tưới nước và đón nấm.
 
Túi có thể treo trong trại hoặc nhà, mỗi xâu từ 5-7 túi, xâu này cách xâu kia khoảng 25cm. Túi rạch dọc thành nhiều đường để nấm có thể nảy nở ra ngoài hoàn toàn, thời gian nấm non phải tưới bằng bình phun sương để không gây hư hại cho nấm. Trời nóng nên làm vách hở chân để thông thoáng, trời lạnh cần che kín chân nhất là ban đêm để giữ ấm cho nấm. Nhiệt độ thích hợp: 20 – 30 độ C, độ ẩm không khí khoảng 80 - 90%. Nhà phải sạch sẽ và đủ ánh sáng nhưng không bị chiếu nắng, có khả năng giữ ẩm, không bị gió lùa nhưng không bí quá làm ngộp nấm.
 
Sau 1 tuần kể từ lúc lên giàn, nấm sẽ ra đồng loạt theo từng đợt, mỗi đợt cách nhau từ 7 – 10 ngày. Khi hái nên hái từng chùm. Cần làm vệ sinh sạch sẽ gốc nấm còn sót lại trong bịch nấm. Nấm hái xong, nên cắt gốc cho sạch và cho vào túi nylon có đục nhiều lỗ nhỏ (thông khí, tế bào nấm không bị ngộp chết). Thu hoạch đợt 1 ở cổ bịch xong, ta dùng dao lam sạch rạch bịch ở đáy và 2 bên hông mỗi nơi 1 đường dài chừng 3 - 4cm. Kết thúc một đợt thu hái (chừng 4 - 5 ngày), ta ngừng tưới trong khoảng 2 ngày để tơ nấm phục hồi.
 
Nếu thấy bịch đã xốp nhẹ thì có thể dồn nén bịch lại. Nấm bào ngư trong điều kiện được giữ lạnh ở 5 - 8 độ C, có thể giữ tươi từ 5 - 7 ngày. Nấm dễ làm khô, chỉ cần dàn mỏng để nơi thoáng có gió là nấm khô queo lại. Nếu phơi và sấy thì thời gian càng nhanh hơn. Nhiệt độ sấy khoảng 50 độ C. Nấm khô có mùi thơm đặc trưng hơn nhưng không giòn, ngọt như nấm tươi. Tỷ lệ nấm khô/nấm tươi là 1/10 (10kg tươi thu được 1kg nấm khô).
 
Theo danviet