Tổ hợp tác dịch vụ và chăn nuôi trồng trọt xã Đông Phú được thành lập năm 2014 với 17 thành viên cũng là 17 trang trại nuôi lợn với quy mô hộ lớn nhất là 60 nái, hộ ít nhất cũng có 20 nái. Tổ hợp tác hoạt động với mục đích tương trợ, giúp đỡ trong hoạt động sản xuất nhằm cải tạo con giống, giảm chi phí đầu vào, đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm thịt.
 
Trang tại chăn nuôi của gia đình ông Giáp Văn Chỉnh - một trong số những trang trại của Tổ hợp tác dịch vụ và chăn nuôi trồng trọt xã Đông Phú, huyện Lục Nam. Trang trại của gia đình ông thường có khoảng 30 nái và số lượng lợn thịt dao động từ 100 đến 200 con. Mỗi con lợn từ nhỏ cho tới lúc xuất chuồng sẽ sử dụng hết khoảng 8 bao cám. Với giá thị trường hiện nay, khoảng 280.000 đồng/bao người chăn nuôi sẽ tốn khoảng 2,1 – 2,4 triệu cho chi phí thức ăn thế nhưng thực tế hiện nay, ông Chỉnh chỉ chi hết khoảng 2 triệu đồng tiền cám cho 1 con lợn mà vẫn đảm bảo trọng lượng bởi giá cám giảm 15.000 đồng - 30.000 đồng/bao. Đây là một trong số những lợi ích có được từ khi tham gia vào Tổ hợp tác dịch vụ và chăn nuôi trồng trọt xã Đông Phú.
 
Bên cạnh ưu đãi về chi phí thức ăn chăn nuôi khi tham gia vào tổ hợp tác những hộ chăn nuôi được cung cấp thông tin về nguồn giống tốt, qua đó các hội viên được Hội nông dân hỗ trợ cho vay vốn để chuyển đổi giống. Ông Chỉnh cho biết “Hiện nay, ngay tại trang trại của mình, tôi đã chuyển đổi 70% giống mới có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đồng thời giá thành thức ăn chăn nuôi giảm đáng kể đồng thời chúng tôi có kinh nghiệm chăn nuôi để chia sẻ cho nhau”.
 
Người có công tạo nên và phát triển mối liên kết này là anh Nguyễn Đức Bảy – Tổ trưởng tổ Hợp tác cũng là chủ của một khu nuôi lợn với 30 nái và hơn 100 con lợn thịt. Bắt đầu chăn nuôi từ năm 2000 nhưng khu chuồng trại của gia đình anh mới xây dựng lại từ năm 2007. Trải qua năm 2008 bị thiệt hại trên 400 triệu đồng từ dịch bệnh anh Bảy củng cố lại chuồng trại, đầu tư hệ thống làm mát và thay toàn bộ giống nuôi mới có chất lượng. Là chủ một trang trại lợn đồng thời cũng là chủ tịch HND xã anh Bảy nhận thấy muốn phát triển chăn nuôi không chỉ cho mình mà cho bà con trong xã thì điều cần thiết là phải tọ mối liên kết trong chăn nuôi vì vậy anh thuyết phục các hộ chăn nuôi lớn và nhỏ trên địa bàn xã Đông Phú để thành lập tổ hợp tác dịch vụ và chăn nuôi.
 
 

 
    Anh Nguyễn Đức Bảy đang chăm sóc đàn lợn
 
Nhằm nâng cao chất lượng trong chăn nuôi, Tổ hợp tác thường xuyên phổ biến cách làm mới, giảm thiểu ô nhiễm môi trường anh Bảy thường dùng men vi sinh trộn vào thức ăn chăn nuôi. Đây là cách làm mới đang được tổ hợp tác phổ biến đến các hộ thành viên. Kết quả sau hơn 1 năm thử nghiệm cho thấy cách làm này mang lại hiệu quả hơn hẳn. Khi áp dụng kỹ thuật này sẽ giúp đàn lợn hấp thụ được hoàn toàn thức ăn đưa vào, môi trường chăn nuôi được đảm bảo. Bà con chỉ phải bỏ ra 140.000 đồng để mua men vi sinh có thể trộn được với một tấn cám. Một con số tiết kiệm nhưng hiệu quả mang lại khá lớn. Đây là hướng đi mà anh Bảy muốn phổ biến đến tất cả tổ viên của tổ hợp tác nhưng để bà con làm theo thì anh phải là người tiên phong để cho họ thấy hiệu quả rõ rệt. Rõ ràng, sức mạnh để liên kết đã mang đến cho những người chăn nuôi tại xã Đông Phú một hướng chăn nuôi mới hiệu quả, an toàn. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng những gì họ đạt được là nền tảng tốt để tổ hợp tác xây dựng thành hợp tác xã trong thời gian tới./.
 
                                                                                                           Thanh Thanh