Thời gian qua, giá gà thịt, trứng xuống thấp khiến nhiều hộ chăn nuôi gặp khó khăn. Dù gần đây giá đã nhích lên song làm thế nào để ngành chăn nuôi gia cầm phát triển bền vững đang là mối quan tâm của người dân và ngành chức năng.
 
Người chăn nuôi "đứng ngồi không yên"
 
Trang trại gà của ông Ngô Văn Cường, thôn Liên Sơn, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) thường xuyên nuôi hơn 1 nghìn con gà Ai Cập siêu trứng, tỷ lệ đẻ đạt khoảng 80%. Từ đầu năm đến nay, giá trứng liên tục giảm khiến chủ trang trại lâm vào cảnh càng nuôi càng lỗ. Vì thế ông Cường đã giảm quy mô nuôi, chỉ còn khoảng 450 con, nhiều gian chuồng để trống.
 
Dịp này, trong lòng chủ trại gà công nghiệp Hoàng Văn Tuấn, thôn Voi, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) cũng “nóng như lửa đốt” bởi chăn nuôi quy mô lớn với khoảng 18 nghìn con gà thịt/lứa mà giá xuống thấp. Dù sản xuất cho doanh nghiệp (DN) cung cấp thức ăn nhưng gà thịt chỉ được thu mua với giá hơn 20 nghìn đồng/kg khiến trang trại thua lỗ. Hiện khoản vay ngân hàng khoảng 600 triệu đồng đầu tư nuôi gà khó có khả năng trả nợ. Các chủ trang trại này cho rằng, với giá thức ăn chăn nuôi hiện nay thì trứng phải đạt 2,2 nghìn đồng/quả, gà trắng (gà công nghiệp - PV) bán 25 nghìn đồng/kg mới hòa vốn, cao hơn sẽ có lãi.
 
Ở vùng trọng điểm gà Yên Thế chủ yếu chăn gà bán công nghiệp hoặc thả vườn đồi. Thời gian qua, mặc dù quy mô đàn gà tương đối ổn định ở mức hơn 3 triệu con nhưng giá gà lông cũng giảm từ 5 - 10 nghìn đồng/kg so với đầu năm. Mức giá như vậy nuôi gà lãi không nhiều. Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho rằng, cùng với ảnh hưởng dây chuyền từ giá lợn hơi xuống thấp, theo quy luật, dịp này người dân ít tái đàn nên nguồn trứng giống không để ấp nở, bổ sung vào thị trường nên lượng trứng để ăn sẽ tăng, giá giảm.
 
Nhiều người lo ngại giá gà, trứng biến động, không cao hơn giá thành sản xuất còn kéo dài trong mùa nắng nóng bởi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm này không tăng. Tình trạng đó khiến người chăn nuôi gia cầm rơi vào cảnh "đứng ngồi không yên", đặc biệt là đối với các hộ chăn nuôi tổng hợp, sau khủng hoảng bởi giá lợn chạm đáy, giá gà, trứng thấp khiến nhiều hộ "tiến thoái lưỡng nan", đứng trước nguy cơ phá sản.
 
Nguyên nhân chủ yếu khiến giá gia cầm, trứng thấp là do giá lợn hơi kéo xuống, người tiêu dùng vốn có thói quen chủ yếu sử dụng thịt lợn trong bữa ăn hằng ngày, khi thịt lợn rẻ thường ưu tiên lựa chọn nhiều hơn. Theo ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, mặc dù sản lượng thịt và trứng gà trên địa bàn không biến động lớn nhưng trong nước, nguồn cung đang vượt cầu. Bắc Giang là vùng trọng điểm chăn nuôi khu vực phía Bắc nhưng gà thịt, trứng gia cầm của nhiều tỉnh, TP lân cận như: Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nội... tràn vào cạnh tranh kéo giá các sản phẩm này của tỉnh xuống.
 
Thông tin từ Bộ Công thương, những tháng đầu năm nay, Việt Nam vẫn nhập khẩu lượng thịt gà lớn giá rẻ từ Mỹ, Thái Lan khiến thị trường sản phẩm này bão hòa, dư thừa khiến chăn nuôi gà trong nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
 
Ổn định quy mô đàn, nâng chất lượng giống
 
So với các nước trong khu vực, chi phí cho chăn nuôi gia cầm của Việt Nam còn ở mức cao do nguồn nguyên liệu thức ăn chủ yếu nhập khẩu. Vì thế về lâu dài, cần quy hoạch lại vùng chăn nuôi, chủ động nguồn sản xuất nguyên liệu tại chỗ để giảm giá thành, từng bước cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của nước ngoài.
Những ngày gần đây, giá thịt lợn hơi tăng trở lại. Người chăn nuôi gà kỳ vọng thị trường sản phẩm thịt, trứng gà cũng theo đó ấm dần. Sau thời gian dài xảy ra khủng hoảng thừa thịt lợn, nhiều giải pháp cơ cấu lại ngành chăn nuôi được đưa ra. Trong đó đối với đàn gia cầm tiếp tục ổn định quy mô đàn, nâng chất lượng giống theo hướng tập trung vào đàn gà chất lượng như gà ri lai, mía lai, Ai Cập siêu trứng... được liên kết chăn nuôi, tiêu thụ theo phương pháp an toàn sinh học.
 
Cũng theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, trước mắt bà con chưa tăng đàn khi thị trường còn thiếu ổn định; đề nghị ngành ngân hàng có biện pháp khoanh nợ, giãn nợ cho các trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn bị ảnh hưởng nặng như cách đã hỗ trợ đối với hộ chăn nuôi lợn vừa qua. Cùng đó, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, Sở Công thương quan tâm “giải cứu” đàn gia cầm bằng cách vận động hội viên, người tiêu dùng quan tâm sử dụng gà thịt, trứng có nguồn gốc trong tỉnh, xúc tiến mở rộng tiêu thụ sản phẩm này ở ngoài tỉnh. 
 
So với các nước trong khu vực, chi phí chăn nuôi gia cầm của Việt Nam còn ở mức cao do nguồn nguyên liệu thức ăn chủ yếu nhập khẩu. Vì thế về lâu dài, cần quy hoạch lại vùng chăn nuôi, chủ động nguồn sản xuất nguyên liệu tại chỗ để giảm giá thành, từng bước cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của nước ngoài.
 
Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công thương) cho rằng, việc sản xuất và tiêu thụ gia cầm của tỉnh vẫn chủ yếu theo cách mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết theo chuỗi khiến rủi ro lớn. Thực tế Bắc Giang mới có vài DN, cơ sở sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi. Trong đó nhiều nhất là Công ty cổ phần Giang Sơn (Yên Thế) giết mổ, cung ứng khoảng 100 tấn sản phẩm “Gà đồi Yên Thế” cho các siêu thị đầu mối tại Hà Nội.
 
Gà lông được một số thương nhân ở các huyện Chương Mỹ, Thường Tín, Đông Anh (Hà Nội) và vài DN thu mua, còn lại chưa có đầu ra ổn định. Vì vậy cần đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ, vận động các hộ chăn nuôi gà vào tổ hợp tác, hợp tác xã, hình thành đầu mối cung cấp sản phẩm uy tín, chất lượng, liên kết mở rộng thị trường và khuyến khích hình thành các cơ sở chế biến gia cầm tại địa bàn.
 
                                                                                                                                            Theo BGĐT