Trong những năm gần đây phong trào nuôi trồng thủy sản tại các huyện ngoại thành của thủ đô Hà Nội đã có những bước tiến mạnh mẽ theo hướng thâm canh tăng năng suất và mang tính bền vững. Các chủ trang trại chăn nuôi – nuôi trồng thủy sản đã đầu tư theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ cơ sở hạ tầng, con giống, thức ăn nhằm tăng năng suất, hiệu quả kinh tế và đảm bảo vùng nuôi an toàn. Tuy nhiên đối với những vùng chiêm trũng như Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức... việc đầu tư còn gặp nhiều khó khăn do tính chất của đồng đất, nguồn nước, giao thông. Việc lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp cho các xứ đồng này là rất cần thiết. Chính vì vậy từ năm 2007 đến nay Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng mô hình nuôi cua đồng và chạch đồng trong ruộng lúa tại các địa phương trên. Kết quả nuôi cua đồng, chạch đồng trong ruộng lúa bước đầu đã giúp các hộ nông dân nghèo thoát nghèo.
 
Để mô hình tiếp tục được nhân rộng ra các địa phương khác trong thời gian tới, xin lưu ý một số vấn đề sau khi nuôi cua đồng, chạch đồng trong ruộng lúa:
 
* Ruộng nuôi:
 
+ Bờ ruộng cần chắc chắn và được che chắn bằng nilon, lưới cước hoặc prô xi măng chôn sâu xuống 30 – 40 cm và cao lên 40 – 50 cm tính từ mặt bờ ruộng đồng thời hơi nghiêng vào trong ruộng một góc 45 độ để tránh khi có sấm chớp hoặc trời mưa, cua, chạch sẽ bò ra khỏi ruộng nuôi.
+ Mặt ruộng cần hơi dốc để thuận tiện cho việc thoát nước và thu hoạch.
+ Đào mương chạy xung quanh ruộng nuôi với kích thước sâu 60 – 80 cm, rộng 0,8 – 1m, cứ cách 50 – 70m đào một hố khoảng 5 – 10 m2, sâu 1m. Mục đích của đào mương để tạo chỗ trú cho cua, chạch sau khi gặt xong và thuận tiện cho chăm sóc và thu hoạch.
+ Trong ruộng nuôi thiết kế các ụ giả kích cỡ 50x20x30 cm để tạo chỗ cho cua đào hang và chui rúc. Ruộng nuôi nên thiết kế theo dạng hình xương cá là lý tưởng nhất.
+ Tại điểm lấy nước vào và tháo nước ra cần có lưới chắn với kích thước mắt lưới nhỏ để tránh cua, chạch thoát ra ngoài ruộng.
 
* Con giống: Do nguồn giống cua và chạch đồng chủ yếu phụ thuộc vào giống tự nhiên là chính nên khi thả cần lựa chọn kích cỡ giống đồng đều để tránh chúng ăn thịt lẫn nhau. Không mua con giống khi bị đánh điện hoặc xây xát, gãy càng.
 
* Mùa thả giống: thích hợp là từ tháng 4 – tháng 8 hàng năm, do giai đoạn này mưa nhiều nên dễ kiếm con giống.
 
* Mật độ thả: 30 – 45 con/m2 (trong đó chạch có thể thả từ 20 – 30co/m2, cua thả 10 – 15 con/m2).
* Cho ăn:
 
+ Thức ăn tự nhiên của cua và chạch chủ yếu là rong tảo, giun cỡ nhỏ, động vật phù du... Thức ăn nhân tạo gồm bột ngô, cám gạo, bột sắn, bột đậu tương hoặc cá tạp xay nhỏ.
+ Lượng cho ăn: cho ăn từ 3 – 5% trọng lượng thân, ngày cho ăn 2 lần. Lưu ý đối với cua khi mới thả giống nên cho nhịn đói 2 – 3 ngày sau đó mới bắt đầu cho ăn.
 
* Quản lý ruộng nuôi
 
+ Cua, chạch đều là loài sống chui rúc nên nhu cầu hàm lượng oxy không cần cao. Mực nước trong ruộng nuôi nên duy trì từ 10 – 15cm, tại mương nuôi từ 60 - 70cm. Một tuần đến nửa tháng nên tháo cạn và phơi ruộng cho xe mặt khoảng 2 – 3 ngày sau đó mới cấp nước mới vào. Mục đích giúp cua lột vỏ và phòng bệnh cho chạch không bị các mầm bệnh tấn công.
+ Định kỳ 7 đến 10 ngày dùng 1.5 – 2 kg vôi tạt cho 100m2 mương nuôi.
 
* Thu hoạch:
 
- Sau thời gian nuôi 9 - 12 tháng, chạch có thể đạt kích cỡ 100 – 150 con/kg, cua đạt 60 – 70 con/kg và có thể thu tỉa dần.
 
Do tập tính sống chui dúc sâu dưới bùn và đào hang là chính nên việc thu hoạch sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn các đối tượng nuôi khác.
 
Đối với chạch đồng: Trước khi thu hoạch cần tháo cạn ruộng nuôi cũng như mương và để từ 3 đến 4 ngày cho mặt ruộng và mương cứng lại. Sau đó sẻ một rãnh dọc ruộng hoặc sẻ theo hình xương cá. Tiếp theo bắt đầu thêm nước mới vào để cho chạch vào rạch theo nước mới từ đó ta chỉ việc tiến hành thu. Trong quá trình thu có thể dùng lưới có mắt lưới tùy theo cỡ chạch cần thu để ta lọc bỏ những con bé hoặc những con đang mang trứng để dùng làm chạch bố mẹ hoặc chạch giống cho vụ sau.
 
Theo Báo Bắc Giang