Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong nuôi thủy sản đang là vấn đề mà các cấp, các ngành quan tâm. Nó rất cần thiết cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững trong tương lai.
 
Thực tế cho thấy, nuôi cá theo hình thức thâm canh đã và đang được nhiều hộ nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang áp dụng, mặt trái của nó đã có tác động rất lớn đến môi trường do thức ăn dư thừa, chất thải dạng phân, chất bài tiết tích tụ lại trong nước và nền đáy. Dưới tác động của vi sinh vật và các quá trình phân hủy tự nhiên, chất thải chuyển thành Amoni, Nitorat, Photphat,... các chất khoáng đã kích thích sự phát triển của tảo dẫn đến hiện tượng nở hoa của tảo trong ao. Thêm vào đó, các độc tố phát sinh từ quá trình phân hủy các chất thải trong ao nuôi và sự tàn rụi của tảo làm cho môi trường nuôi nhanh chóng bị suy thoái, từ đó làm cho các đối tượng nuôi dễ bị nhiễm bệnh, thiếu oxy hay nhiễm độc tính của các chất chuyển hoá. Giải pháp cải thiện chất lượng nước trong ao nuôi là thay nước. Tuy nhiên không phải địa phương nào nuôi thủy sản cũng tiện nguồn nước để thay. Điển hình như ở xã Song Mai, thành phố Bắc Giang là địa phương nuôi thủy sản phát triển rất mạnh song điều kiện để các hộ dân thay nước trong quá trình nuôi là hạn chế hoặc có những ao nuôi là ao tù.
 
Để khắc phục tình trạng trên năm 2016, Trung tâm Khuyến nông triển khai mô hình trình diễn nuôi cá rô phi đơn tính có xử lý môi trường trong điều kiện ao nuôi khó thay nước tại 2 huyện Tân Yên và thành phố Bắc Giang, với quy mô 2ha. Các hộ tham gia mô hình cần được sự đồng ý của chính quyền địa phương; đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của mô hình và cam kết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật… Trên các cơ sở đó, Trung tâm Khuyến nông đã lựa chọn được 04 hộ, là những hộ đã có nhiều kinh nghiệm trong nuôi cá thâm canh trên địa bàn 2 huyện, thành phố. Tham gia mô hình các hộ được hỗ trợ 70% giá giống, 13% thức ăn và 20% thuốc, chế phẩm sinh học và vôi bột. Trước khi thả giống, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã hướng dẫn các hộ chuẩn bị điều kiện ao nuôi, cách thả giống, chăm sóc và quản lý ao. Sau 7 tháng triển khai, mới đây Trung tâm Khuyến nông đã tiến hành nghiệm thu đánh giá kết quả của mô hình. Theo đánh giá của cán bộ chỉ đạo mô hình cho thấy, tỷ lệ sống đạt trên 72%, kích cỡ thu hoạch đạt từ 700g/con trở lên, với giá bán bình quân là 29 nghìn đồng/kg, năng suất đạt trên 15 tấn/ha. Tính tổng cả mô hình cho lãi trên 154 triệu đồng.
 
Ông Thân Văn Doanh ở thôn Phúc Hạ, xã Song Mai, thành phố Bắc Giang là hộ tham gia mô hình vui mừng cho biết, với diện tích ao nuôi là 5000m 2 cho lãi gần 36 triệu đồng. Mô hình của gia đình thường xuyên được cán bộ của Trung tâm và Trạm Khuyến nông kiểm tra, chỉ đạo kỹ thuật cho gia đình nên mô hình không có thiệt hại do dịch bệnh gây ra, trong khi các hộ nuôi cùng thời điểm trên địa bàn lại chịu thiệt hại lớn do bệnh liên cầu khuẩn gây ra trên con cá rô phi. Trao đổi với chúng tôi, ông cho biết đầu chu kỳ nuôi cứ 15 ngày xử lý nước một lần, cuối chu kỳ lượng phân và thức ăn tồn đọng dưới đáy ao nhiều thì 7 ngày xử lý ao một lần và thường dùng vôi bột với lượng từ 2-4kg/100m 3 nước để tiêu diệt mầm bệnh, sau 2 đến 3 ngày dùng chế phẩm sinh học để làm sạch môi trường và cải tạo ao nuôi.
 
 

 
                                                       Các đại biểu thăm mô hình ao nuôi tại gia đình anh Thân Văn Doanh
 
Mô hình nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính có xử lý môi trường nước trong điều kiện ao nuôi khó thay nước áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, sử dụng vôi bột, thuốc sát khuẩn, chế phẩm sinh học xử lý định kỳ ao nuôi, nhằm nâng cao chất lượng đáy, nước ao, giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình nuôi mang lại, khống chế mầm bệnh. Đặc biệt, không sử dụng thuốc kháng sinh, phân hữu cơ để nuôi cá nhằm tạo ra sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng. Ông Trần Văn Đăng, chủ tịch UBND xã Song Mai chia sẻ, Song Mai là nơi nuôi thủy sản phát triển mạnh, song điều kiện để các hộ nuôi thay nước trong ao nuôi rất khó khăn, nên mô hình rất phù hợp với các ao nuôi trên địa bàn. Từ thành công của mô hình là cơ sở để xã Song Mai tuyên truyền, nhân rộng đến tất cả bà con nuôi thủy sản trong vùng học tập và làm theo. Qua đây, ông đề nghị Trung tâm KN, Sở Nông nghiệp &PTNT trong năm 2017 và những năm tiếp theo tiếp tục hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhiều mô hình mới, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của xã Song Mai cũng như các địa phương trên địa bàn tỉnh.
 
Theo TT Khuyến Nông BG