Sinh năm 1975 với một tuổi thơ nhiều gian khó, gia đình khá đông anh em, không có điều kiện được theo học đầy đủ như chúng bạn, phải vật lộn vớí “miếng cơm, manh áo” từ sớm mà khó khăn vẫn đeo đẳng, bám diết. Nhưng tất cả những gì đã trải qua lại trở thành nguồn động lực nuôi dưỡng, hun đúc trong con người ấy một khát vọng làm giàu mãnh liệt, là nền tảng của những thành công trong hiện tại. Người chúng tôi đang nói tới là anh Nguyễn Văn Giang, xóm Cầu, thôn Sen Hồ, thị trấn Nếnh, Việt Yên, Bắc Giang.
 
Một buổi sáng đẹp trời chúng tôi về thị trấn Nếnh, tìm hỏi Gia đình anh Nguyễn Văn Giang với mô hình nuôi các con đặc sản thật không mấy khó. Không giống những trang trại tôi đã từng tới thăm, mô hình của gia đình anh chỉ rộng 540m2 (1,5 sào) nhưng lại được bố trí khá gọn gàng, khoa học và đặc biệt là hiệu quả kinh tế mang lại không hề nhỏ.
 
Trò chuyện với chúng tôi, anh nói: Trước kia anh từng đi làm kinh tế ở nhiều nơi, làm đủ nghề, buôn bán đủ thứ; vào nam, ra bắc mà không tìm được cho mình một nghề thích hợp. Anh đi tới đúc kết: Buôn bán, chợ búa vất vả và không phù hợp với mình. Năm 2000, sau một quá trình trải nghiệm cuộc sống anh trở về quê và quyết định mở xưởng máy xẻ gỗ. Mặt khác, trong quá trình làm ăn xa anh đã được nghe, tham quan một số mô hình nuôi các con đặc sản đi trước có hiệu quả nên cũng thời gian này anh bắt đầu nuôi con rắn hổ mang đen. Ban đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm về nuôi rắn, cộng với những khó khăn về vốn, mặt bằng nên anh chỉ lấy ngắn nuôi dài, từ 50 con dần lên 100 con... Nhận thấy những hiệu quả kinh tế từ nuôi con rắn hổ mang đen đặc sản cộng với sức trẻ và niềm đam mê động vật hoang dã đã khiến anh quyết định bán xưởng xẻ để tập trung cho chăn nuôi. Đến nay, anh đã xây dựng được hơn 200 ô chuồng, nuôi hơn 200 con rắn, thời điểm nhiều nhất số lượng rắn lên tới 400 con.
 
Trao đổi về con rắn hổ mang đen, anh cho biết: Rắn hổ mang đen nhìn chung ít bệnh tật bởi khả năng kháng bệnh cao, khi nuôi kỹ thuật cho ăn là khâu khó nhất, muốn rắn sinh trưởng và phát triển tốt đòi hỏi người nuôi phải kiểm soát được lượng thức ăn, ăn quá nhiều cũng dẫn đến bị bệnh. Có thể nói yếu tố thức ăn quyết định phần lớn đến hiệu quả trong chăn nuôi rắn. Về thời gian để xuất bán được một lứa rắn thì tuỳ theo kích cỡ và chất lượng giống mà thời gian nuôi có thể kéo dài từ 1-2 năm. Giêng anh, do luôn có nguồn giống đảm bảo chất lượng lại thêm bề dày kỹ thuật, kinh nghiệm trong quá trình tự mày mò, đúc rút từ thực tế nên chỉ nuôi từ 1 - 1,5 năm là anh đã có thể xuất bán, con to có trọng lượng khoảng 4kg, trung bình từ 2,5 - 3kg. Thời điểm hiện tại với giá bán giao động từ 600 - 900 nghìn đồng/kg, lúc cao có thể lên tới 1 triệu đồng/kg thì trừ các khoản chi phí anh thu lãi từ 80 - 100 triệu đồng/năm.
 
Sự thành công của anh Giang với con rắn hổ mang đen thực sự không khiến tôi cảm thấy quá bất ngờ. Bởi khi nhìn cái cách anh xây dựng chuồng trại ngăn lắp, kiên cố, phân chia các ô chuồng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo ấm về mùa đông, mát về mùa hè và cả vấn đề phòng bệnh chung cho vật nuôi.
 
Niềm đam mê với các con đặc sản của anh Giang không dừng lại ở đó, 5 năm trở lại đây anh còn đầu tư nuôi thêm nhím, ba ba gai, lợn rừng, có lúc cả ngựa bạch. Dẫn chúng tôi đi thăm quan khu chuồng nuôi nhím, anh nói: So với các con đặc sản khác thì nhím dễ nuôi nhất, rủi ro bệnh tật thấp, nguồn thức ăn nuôi nhím dồi dào, phong phú, đặc biệt đầu ra cho con nhím khá thuận lợi. Hiện tại, anh đang nuôi 25 con nhím, trong đó có 7 nhím đực còn lại là nhím sinh sản, nhím đẻ dược khoảng 30 cặp/năm. Giá một cặp nhím giống hiện nay khá cao, nếu trước kia là 12 triệu đồng/cặp thì nay anh bán được giá 16 triệu đồng/cặp. Như vậy, hàng năm trừ chi phí nguồn thu từ nuôi nhím mang lại cho gia đình anh không phải là nhỏ.
 
Rời khu chuồng nhím, chúng tôi tới khu nuôi ba ba gai của gia đình anh, anh chia sẻ: Nếu như con nhím nuôi dễ bao nhiêu thì con ba ba gai lại khó bấy nhiêu. Cái khó trong nuôi con đặc sản này là ở chỗ: Giống đắt, giá một con ba ba gai giống khoảng 800 nghìn đồng, tương đương với gần 100 con ba ba thường. Mặt khác, nuôi ba ba gai rủi do bệnh tật lớn, tỉ lệ hao hụt cao. Nuôi ba ba gai đòi hỏi ở người nuôi phải có kỹ thuật cao, sự kiên trì và dám mạo hiểm mới có thể đi tới thành công. Hiện tại, với diện tích ao nuôi không phải lớn anh Giang đang có cho mình 100 con ba ba gai, thời điểm nhiều lên đến 300 con. Theo anh Giang, với giá ba ba gai thương phẩm khá cao như hiện nay khoảng 1 triệu đồng/kg và ba ba gai bố mẹ là 1,5 triệu đồng/kg thì trừ chi phí giống, chăm sóc, nuôi dưỡng sau 3 năm nuôi thu lãi khoảng 150 triệu đồng/100con. Nhìn những con ba ba gai đang sinh trưởng và phát triển tốt chúng tôi thầm cảm phục ý chí, nghị lực của người thanh niên trẻ.
 
 Trao đổi về những thuận lợi, khó khăn của bản thân khi nuôi các con đặc sản cũng như những dự định trong thời gian tới, anh vui vẻ cho biết: Nuôi con đặc sản nhìn chung khá thuận lợi, về kỹ thuật chỉ cần người nuôi chịu khó mày mò, tìm hiểu là có thể vượt qua được những khó khăn ban đầu. Bên cạnh đó vấn đề đầu ra lại tương đối dễ, thương lái tới tận nơi thu mua mà không phải mang đi tiêu thụ. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất của người chăn nuôi là vấn đề vốn, mặt bằng. Không gian chật hẹp ảnh hưởng khá lớn tới hiệu quả trong chăn nuôi. Mở rộng mặt bằng sản xuất cũng chính là mong muốn, dự định của anh trong thời gian sắp tới.
 
Với nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội, nuôi các con đặc sản đang là một hướng đi bền vững để phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương. Những tấm gương như anh Nguyễn Văn Giang rất đáng để lớp trẻ chúng ta học tập làm theo. Tin tưởng ở sự thành công hơn nữa trên con đường anh đã chọn./.
 
Huyền Trang