Qua tìm hiểu cán bộ Hội nông dân xã Khám Lạng, huyện Lục Nam chúng tôi được biết đến gia đình anh Nguyễn Văn Biên, chị Dương Thị Hằng là một điển hình chăn nuôi giỏi với mô hình tổng hợp như nuôi lợn thịt, chim bồ câu, chăn gà lôi, nuôi giun quế mỗi mô hình đều đã đem lại nguồn thu lợi lớn cho vợ chồng anh chị. Nhưng đặc biệt hơn trong mô hình phát triển kinh tế làm giàu đó chính là việc nuôi cua đồng thương phẩm của gia đình. Sau nhiều lần trăn trở, anh nhận thấy nhu cầu tiêu thị cua đồng trên thị trường rất lớn và giá thành ngày một tăng cao. Có được một sào cấy lúa gần nhà trước nay cho thu nhập thấp anh đã mạnh dạn tiến hành cải tạo, thiết kế, tu sửa bờ bao, làm vệ sinh sạch sẽ, ruộng trở thành một cái ao nhỏ sâu khoảng 50 – 80 cm. Cũng tự mình mày mò và thiết kế anh thuê thợ đóng cọc chắc chắn xung quanh, trồng cây khoai nước làm chỗ trú cho cua, sau bơm nước đồng thời trồng thêm các loại thực vật thủy sinh như: Lục bình, rau muốn, cây mầu… để tạo bóng mát và nguồn thức ăn tự nhiên cho cua. Khi chuẩn bị được ao nuôi anh mua một tạ cua đồng giống tại địa phương. Tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong ao như: Bèo, các loại phù sinh, lúa…anh Biên còn bổ sung thêm nguồn thức ăn phụ là cá tép, ốc sên, hến băm nhỏ, cơm, cám viên lại…Mỗi ngày anh cho cua ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều tối sau khoảng một thời gian cua lớn thì công chăm sóc lại rất ít, tuần cho ăn 2 đến 3 lần vì cua có khả năng nhịn đói 10 – 15 ngày. Lúc anh bắt đầu nuôi là những tháng hề vì vậy đàn cua sinh trưởng và lớn rất nhanh. Với diện tích mặt nước khoảng 400m2 và 100 kg giống ban đầu sau 2 tháng anh bắt đầu cho thu bán được khoảng 300kg cua thịt với giá bán buôn tại thị trường là 70.000 – 90.000đ/kg.
 
 
 
Qua tâm sự anh Biên chia sẻ: “Nuôi cua đồng rất dễ và ít dịch bệnh, nguồn thức ăn lại đơn giản. Cua đồng ăn tạp, cua ăn các loại thức ăn như cá tạp, ốc, bèo, cám gạo… Thức ăn phải tươi, không bị ôi thiu, nấm mốc. Cần cho cua ăn đầy đủ, nếu cua thiếu thức ăn rất dễ ăn thịt lẫn nhau. Trong ao, ruộng nuôi, cần bố trí một số sàn ăn để đánh giá tình trạng bắt mồi của cua, đồng thời căn cứ điều kiện thời tiết mà điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Những tháng cuối chu kỳ nuôi cần tăng thêm thức ăn là động vật trong khẩu phần ăn để cua nhanh lớn và chắc thịt. Có thể thả thêm cá rô đồng, cá rô phi để ăn thức ăn thừa của cua, giảm ô nhiễm nước nuôi. Cua đồng là loại ưa thích nghi với thời tiết mát mẻ, vì thế phải trồng xen kẽ thêm rau muống, lúa, cây màu để giữ bóng mát cho cua vào mùa hè. Môi trường nước cũng cần phải giữ sạch sẽ và thường xuyên thay đổi nguồn nước vào, nước ra để kích thích cua lột xác và bắt mồi mạnh. Vốn đầu tư cho nuôi cua rất thấp, chủ yếu là tiền thuê công thợ đào ao, mua tôn và cọc tre để khoanh bờ bao”. Khi cua đạt kích thước thương phẩm hoặc giá cao có thể thu hoạch. Thu tỉa bằng cách đặt lờ, lợp, chà mùn và tát cạn bắt bằng tay nếu thu hoạch toàn bộ ao. Nếu nuôi vào mùa hè thì chỉ khoảng 2 – 3 tháng sau khi nuôi là có thể cho bán cua thịt, tuy nhiên về mùa đông cũng có thể nuôi cua nhưng sự biến động lớn về nhiệt độ, môi trường nước ảnh hưởng đến sự tăng trưởng nên cua phát triển chậm hơn kéo dài thời gian được xuất bán là 4 tháng, nhưng bù lại giá bán lại cao hơn. Anh cho biết mỗi năm nuôi cua đồng có thể xuất bán 4 lần và với diện tích của gia đình anh cho thu lịa khoảng 50 – 70 triệu đồng/năm.
 
Thật vậy cua đồng một món ăn dân giã nhưng hiện nay được thị trường tiêu thụ với số lượng lớn, cua nuôi ra không đủ bán chính vì thế mà anh Biên chưa khi nào nghĩ đến việc mình làm lại không có đầu ra cho sản phẩm. Có nhiều nơi cũng đã tìm đến địa chỉ gia đình anh để đặt trước việc thu mua, song hiện tại với diện tích nhỏ nên cũng không đủ lượng giao bán cho khách hàng. Không giấu được niềm phấn khởi, anh cho biết: “Hiện với mô hình cua đồng cùng các mô hình tổng hợp khác, gia đình tôi có lãi khoảng từ 100 – 150 triệu đồng/năm. Có tiền, tôi vừa tái đầu tư sản xuất, vừa chăm lo học hành cho các con và trong thời gian tới anh sẽ mở rộng thêm diện tích nuôi cua vì thật sự nuôi cua đã đem lịa nguồn thu nhập rất cao cho gia đình anh.
 
Hiện tại mô hình cua gia đình anh được rất nhiều người quan tâm và đến tham quan học hỏi kinh nghiệm. Hy vọng rằng trong thời gian tới mô hình sẻ trở thành phong trào phát triển kinh tế góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân./.
 
Nguyễn Thị Tươi