Năm qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Sở Nông nghiệp và PTNT; sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chức năng và cố gắng nỗ lực của cán bộ chuyên môn ngành nông nghiệp, đến nay công tác quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đạt nhiều kết quả tích cực. Ông Quách Đăng Bắc – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản cho biết, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản hiện nay đang là một vấn đề quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Với ý nghĩa đó, những năm qua các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với cơ sở, chính quyền địa phương triển khai nhiều hoạt động, giải pháp hiệu quả, góp phần không nhỏ vào công tác bảo đảm và nâng cao chất lượng hàng nông sản, giảm tỷ lệ mắc bệnh, tăng cường sức lao động, học tập của con người, đồng thời thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn như thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng nông sản, các đơn vị tham gia công tác quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản còn nêu cao tinh thần chủ động tham mưu xây dựng cơ chế chính sách, văn bản quản lý, tổ chức đào tạo tập huấn, tham gia công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, phối hợp chỉ đạo mô hình sản xuất… Kết quả nổi bật là, 150 cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng nông lâm sản và thủy sản được Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản kiểm tra trong năm 2012 nhìn chung đều chấp hành đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, chỉ có số ít cơ sở bị nhắc nhở nhẹ; 114 mẫu sản phẩm nông sản do Chi cục gửi đi phân tích, đánh giá đều cho kết quả khả quan. Trong đó có 6/6 mẫu chè búp khô đều an toàn thực phẩm, 8/22 mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và 6/14 mẫu thịt nhiễm E.coli nhưng hàm lượng rất thấp, trong ngưỡng cho phép, vì vậy vẫn bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Song song với công tác thanh, kiểm tra, năm 2012 Chi cục đã đánh giá và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến… hàng nông sản; tiếp nhận 4 bản công bố hợp quy của những Công ty thức ăn chăn nuôi có thương hiệu trên địa bàn tỉnh như Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi đặc khu HOPE Việt Nam, Công ty TNHH Vimark… Nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề an toàn thực phẩm, Chi cục đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Sở ban hành một số văn bản liên quan đến lĩnh vực chất lượng, môi trường, tiêu chuẩn kỹ thuật…; phối hợp với Đài PTTH tỉnh thực hiện 2 chuyên đề về sản xuất chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và sản xuất rau an toàn; tổ chức 80 lớp tập huấn cho bà con nông dân và cán bộ làm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc ngành nông nghiệp; phối hợp với Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tổng kết và trao giấy chứng nhận sản phẩm vải thiều an toàn cho 2 mô hình thí điểm hợp tác xã Kim Thạch và Trại Mới của huyện Lục Ngạn; tham gia chỉ đạo về sản xuất lúa lai, sản xuất cây trồng vụ đông tại 2 huyện Hiệp Hòa và Yên Thế; thực hiện công tác quản lý nhà nước về môi trường nông nghiệp… Những hoạt động trên đã góp phần không nhỏ vào việc tạo giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương. Bên cạnh những kết quả tích cực, trong công tác quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản còn bộc lộ một số hạn chế như: Chưa có sự đột phá trong cải thiện toàn diện chất lượng nông sản; sự quản lý chất lượng an toàn thực phẩm mới dừng lại ở từng khâu của quá trình sản xuất, chưa theo chuỗi; hoạt động của hệ thống các cơ quan quản lý chưa thực sự nhịp nhàng, sâu rộng… Nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở hoạt đông còn nhở lẻ, manh mún; hệ thống các văn bản quản lý ở một số lĩnh vực chưa có phân cấp và hướng dẫn cụ thể; một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, kinh phí đầu tư cho hoạt động chuyên môn quản lý còn thấp… Để khắc phục những hạn chế trên, năm 2013 Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; triển khai nhiều mô hình sản xuất tốt, chuỗi liên kết sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, trong đó tập trung vào sản phẩm gà thịt; tăng cường công tác thanh, kiểm tra giám sát điều kiện vệ sinh an toàn của các cơ sở; đặc biệt áp dụng và thực hiện tốt Nghị định 91/2012/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính đối với những cơ sở vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, thông tư 14 của Bộ Nông nghiệp và PTNT để từng bước nâng cao chất lượng nông sản thực phẩm trên địa bàn tỉnh… Tuy nhiên, để chọn lựa được sản phẩm nông sản bảo đảm chất lượng trên thị trường hiện nay thì quả là vấn đề khó đối với người tiêu dùng? Cách nhận biết chủ yếu là theo cảm quan và qua mối quan hệ với người kinh doanh, người sản xuất. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn khuyến cáo người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm biết rõ nguồn gốc, xuất xứ và đã có thương hiệu trên thị trường. Đối với người sản xuất nên chấp hành đúng quy trình kỹ thuật; nghiêm cấm sử dụng chất cấm, yêu cầu sử dụng văcxin có đủ thời gian cách ly trước khi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ; tổ chức trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ… tập trung có sự theo dõi của cơ quan chuyên môn… Đối với người quản lý nên quản lý theo chuỗi sản xuất, tránh để xảy ra “lỗ hổng” trong quá trình hoạt động; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cơ sở sản xuất, kinh doanh… Theo Khuyến nông Bắc Giang