Chu kỳ thay nước cho ao nuôi cá
 
Thông tin về các chỉ số lý, hóa và sinh học của môi trường nước phù hợp với sinh trưởng của cá.
 
- Khí Oxy: Oxy là chất khí quan trọng nhất trong số các chất khí hòa tan trong môi trường nước. Nồng độ oxy hòa tan thích hợp cho cá là từ 5 – 8mg/lít. Lượng oxy hòa tan nhỏ hơn 3mg/lít cá hoạt động yếu và khả năng bắt mồi giảm, nếu nhỏ hơn 2mg/lít cá có hiện tượng nổi đầu vào sáng sớm, nếu thấp hơn nữa sẽ làm cho nhiều sinh vật trong ao bị chết, quá trình phân hủy của chúng sẽ phát sinh nhiều khí độc. Tuy nhiên, hàm lượng oxy hòa tan của nước cao hơn 10mg/lít cũng không tốt, cá dễ bị bệnh bọt khí trong máu, làm tắc nghẽn các mạch máu dẫn đến não và tim, cá sẽ bị xuất huyết vây và mang.
 
Lượng oxy từ không khí khuyếch tán vào ao hồ nước tĩnh không đáng kể, mà chủ yếu là nhờ quá trình quang hợp của thực vật thủy sinh vào ban ngày. Do đó vào mùa hạ nhiều ánh sáng, tiết trời quang đảng, sinh vật phù du quang hợp mạnh, hàm lượng oxy hòa tan trong ao thường cao hơn những ngày trời âm u, ít nắng. Vào ban đêm, lượng oxy trong ao tiêu hao nhiều do sự hô hấp của cá, của thủy sinh vật và sự phân hủy của xác bã thực vật. Nhìn chung, mức độ tiêu hao oxy do quá trình trao đổi chất của cá quyết định. Cá càng hoạt động nhiều thì lượng tiêu hao oxy của cá càng lớn và ngược lại. Thả nhiều cá thì lượng oxy trong ao bị tiêu hao nhanh hơn thả ít cá. Cá nhỏ có lượng tiêu hao oxy nhiều hơn cá lớn.
 
- Nhiệt độ: Nhiệt độ thích hợp cho thủy sản nuôi là 26-32oC. Với cá  tra và ba sa là từ 26-30oC (với cá bột 28-30oC). Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột 3-4oC có thể ảnh hưởng đến khả năng kháng bệnh của tôm cá.
 
- pH: Ở vùng đất phèn, pH của nước sẽ thấp. Mỗi loài cá có khả năng chịu đựng một khoảng pH klhác nhau. pH có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển phôi, đến quá trình dinh dưỡng, sinh trưởng và sinh sản của cá. pH của môi trường quá cao hay quá thấp đều không có lợi cho đời sống của cá. Quá trình quang hợp của thực vật thủy sinh hấp thu CO2 làm tăng pH. Sức chịu đựng của cá đối với sự sụt giảm hàm lượng oxy trong nước sẽ kém đi khi pH thấp. pH thích hợp cho cá nuôi là từ 6,5-9, tốt nhất là 7-8.
 
- Độ đục: Độ đục tạo nên do phiêu sinh vật, các hạt đất sét lơ lững. Độ đục phản ánh khả năng khuyếch tán của ánh sáng xuống ao. Độ đục cao sẽ ngăn cản ánh sáng truyền đến lớp nước bên dưới, làm giảm cường độ quang hợp của thực vật phù du, tức giảm lượng oxy, do đó cá khó hô hấp cũng như bắt mồi. Nhìn chung, nếu ao có độ đục cao thì khả năng tự làm sạch của ao sẽ giảm. Độ đục của nước thích hợp cho nuôi thủy sản là từ 20-30cm.
 
(Người ta thường dùng đĩa secchi để đo độ đục. Đĩa secchi có thể tự thiết kế: Dùng miếng nhôm có đường kính 20cm, từ tâm của miếng nhôm chia ra 6 ô bằng nhau và sơn màu trắng đen xen kẽ. Xuyên sợi dây vào tâm đĩa. Khi đo độ đục, đưa đĩa xuống nước đến khi không còn phân biệt được màu đen và màu trắng của đĩa, độ chìm của đĩa có thể đánh giá độ đục của nước)
 
- Màu sắc: Nước thiên nhiên không có màu. Màu sắc của nước ao hồ do chất hòa tan trong nước tạo nên.
 
 + Màu xanh: do sự phát triển của tảo lục, tảo lam và các loài thủy sinh. (Màu xanh đọt chuối và màu vàng nhạt là tốt cho cá. Khi màu nước đạt xanh xậm thì phải cho thêm nước mới để pha loãng, vì khi có nắng nhiều, tảo sẽ quang hợp và tăng nhanh sinh khối. Khi về đêm số lượng tảo chết nhiều, sự phân hủy của chúng sẽ làm tăng mức độ tiêu hao oxy, tức sẽ làm ô nhiễm nước nước ao)
 
+ Màu nâu đỏ: do các chất mùn hữu cơ. (Khi màu nước ao chuyển sang dạng nầy thì cần tiến hành hút bùn đáy ao).
 
+ Màu vàng gạch: do có nhiều sắt. Màu xám, xanh đen: do nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp. (Loại nước này nếu dùng nuôi cá thì quá trình xử lý sẽ làm chi phí tăng cao)
 
- Mùi: Mùi của nước là do sự hiện diện của vi khuẩn, các hợp chất vô cơ, hữu cơ.
 
+ Mùi tanh do muối đồng và sắt
 
+ Mùi trứng thối do H2S (H2S là chất cực độc, nó liên kết với sắt trong thành phần của Hemoglobine, không có sắt thì Hemoglobine không có khả năng vận chuyển oxy cung cấp cho các tế bào)
 
Các chất gây mùi hữu cơ: sinh ra do vi khuẩn, rong tảo như CH3-S-CH3 cho mùi tanh cá; C12H22O, C12H22O2 cho mùi bùn … Vị chát do Na2CO3, MgSO4, MgCl2
 
(Khi nước ao phát sinh mùi, tùy mức độ mà dùng hóa chất xử lý phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề chính yếu là phải phòng ngừa)
 
Quan sát kỹ những chỉ số cơ bản trên của ao nuôi và của nguồn nước cấp vào sẽ giúp bạn quyết định chu kỳ thay nước và số lượng nước sẽ bơm cấp cho ao. Tuy nhiên, để chắc chắn nguồn nước cấp là tốt cho cá nuôi, trước khi thay nước cho ao, bạn cần kiểm tra chất lượng nguồn nước. Kiểm tra hàm lượng oxy, pH và nhiệt độ thì phải thử bằng máy đo. Nếu nguồn nước đã từng được sử dụng để nuôi cá, xác định rằng nguồn nước đó là phù hợp cho ương cá giống và tại thời điểm quyết định bơm cấp nước cho ao chưa thấy có biến động nhiều về sự ô nhiễm hay tác động bất thường của thời tiết, thì bạn có thể kiểm tra chất lượng nước bằng cách, cho tay vào nước sẽ đánh giá được phần nào nhiệt độ và nếm thử để nhận định độ pH. Kiểm tra màu sắc, độ đục và mùi có thể bằng phương pháp nhìn và ngửi.
 
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc xử lý nước, liều lượng sử dụng cũng sẽ tùy thuộc vào chất lượng của nguồn nước trong ao và nguồn nước cấp vào. Tuy nhiên, chúng ta nên tìm kiếm nguồn nước sạch để nuôi cá, chỉ dùng thuốc trong trường hợp không còn giải pháp nào khác.
 
Nguồn (Trung tâm Khuyến nông An Giang)