Khác với động vật nuôi trên cạn, động vật thủy sản nói chung và cá nói riêng khi bị bệnh việc chữa trị gặp rất nhiều khó khăn do chúng sống dưới nước, là động vật bậc thấp nên khả năng sinh kháng thể thấp. Vì vậy khi cá đã bị bệnh thì biện pháp chữa trị thường ít mang lại hiệu quả, nhất là đối với các loại bệnh tác nhân là vi rút hoặc vi khuẩn.
 
Nếu dùng thuốc trị bệnh bằng đường ăn uống sẽ ít tác dụng vì khi cá bị bệnh chúng thường bỏ ăn hoặc giảm ăn, nếu dùng thuốc cho xuống ao, hồ, lồng nuôi thì phải cần một lượng thuốc rất lớn, gây tốn kém, dùng phương pháp tắm cho cá rất khó thực hiện. Bởi vậy phòng bệnh cho cá là việc làm quan trọng trong suốt vụ nuôi.
 
Bệnh trên cá cũng như bệnh ở các động vật thủy sản khác, chúng chỉ bị bệnh khi 3 yếu tố đồng thời xảy ra:
 
Thứ nhất: Điều kiện môi trường xấu (các thông số môi trường vượt quá giới hạn cho phép hoặc biến động lớn trong ngày), ngoài ra sự hiện diện của các thành phần độc hại không có lợi cho sự tồn tại và phát triển của động vật thủy sản.
 
Thứ hai: Bản thân sức khỏe của cá yếu (bao gồm con giống kém chất lượng, chế độ chăm sóc và dinh dưỡng kém), làm cho cá không có khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi môi trường.
 
Thứ ba: Trong môi trường ao nuôi tồn tại các tác nhân gây bệnh lớn như: virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng.
 
Biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho cá và các loài thủy đặc sản khác là dựa vào 3 yếu tố nêu trên, đồng thời thực hiện đúng theo quy trình nuôi, sẽ hạn chế được sự phát sinh, phát triển và lây lan mầm bệnh trong quá trình nuôi.
 
Để đạt hiệu quả trong công tác phòng bệnh cho cá, sau mỗi vụ cần tẩy dọn ao thật kỹ, tháo cạn nước, phơi đáy ao và dùng vôi bột khử trùng đáy ao với liều lượng 10 – 15 kg/100 m2. Trong quá trình nuôi cần bón vôi định kỳ 2 tuần một lần với liều lượng 2 kg vôi bột cho 100m3 nước hòa tan, té đều xuống ao, đối với lồng nuôi liều lượng 2 kg vôi/10m3 lồng để khử trùng nguồn nước nuôi, hạn chế bệnh rận cá.
 
Về giống, nên chọn kích cỡ đồng đều, không dị tật, không mang mầm bệnh, không nên thả nuôi với mật độ quá dày. Trong quá trình nuôi cho cá ăn đủ chất, đủ lượng, thức ăn không được ôi thiu, mốc, không để cá bị đói, không nên dùng phân chuồng bón trực tiếp xuống ao nuôi vì sẽ sinh ra các khí độc, làm ô nhiễm môi trường nước, nên ủ kỹ phân chuồng với vôi bột (2-3kg vôi/100kg phân rồi mới cho xuống ao), định kỳ 2-3 tuần/lần bà con nên sử dụng các loại chế phẩm sinh học để xử lý ao nuôi. Đối với cá trắm cỏ là đối tượng dễ mắc bệnh vào những thời điểm trước giao mùa, thời tiết biến động (tháng 3 đến tháng 4 và tháng 8 đến tháng 9 âm lịch), nên cho ăn thêm tinh bột, thảo dược KN 04-12 hoặc Tiên Đắc 1 bổ sung thêm vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá. Ngoài ra, bà con cũng có thể phòng, trị bệnh cho cá nuôi bằng loại thuốc như Florphenicol trộn vào thức ăn. Đối với cá, ngày đầu tiên dùng 0,2 – 0,3g thuốc/kg cá. Từ ngày thứ 2 trở đi dùng 0,10 – 0,15g thuốc/kg cá/ngày, cho ăn liên tục 3 - 5 ngày.
 
Đối với thuốc Tiên Đắc 1 nếu cá ăn thức ăn khô dạng bột, dạng hạt hay dạng viên nổi thì trộn thuốc vào thức ăn, phun ít nước cho thuốc dính đều vào thức ăn rồi cho cá ăn. Đối với thức ăn xanh là rau, cỏ thì làm ướt rau, cỏ rồi trộn thuốc dính đều, hong ráo nước đem cho cá ăn phòng bệnh đối với cá lớn cho ăn trước mùa dịch, mỗi tháng 1 lần, liều dùng 10g/50kg cá, cho ăn liên tục trong 3 ngày. Đối với cá giống liều dùng cao hơn cá lớn, định kỳ 10 ngày cho ăn 1 lần. Trị bệnh mỗi ngày cho ăn 1 lần, liều dùng 50g/50kg cá, cho ăn 3 ngày liên tục.
 
Ngoài biện pháp phòng bệnh, hàng ngày nên quan sát các hoạt động của cá để nắm được một số dấu hiệu bất thường, biểu hiện bệnh tật trong ao nuôi như: Cá hay tập trung ở chỗ cống nước chảy là do thiếu oxy, cá bị nhiễm ký sinh trùng thường ngứa ngáy, quẫy mạnh, thích cọ mạnh vào những vật cứng, cây cỏ, cá trúng độc hoặc bị bệnh về não thường bơi vòng tròn, quan sát trên da cá nếu thấy đốm đỏ nhỏ có thể do rận cá hoặc trùng mỏ neo, nếu thấy vết loét ăn sâu và xảy ra ở nhiều loài cá trong ao thì có thể là do hội chứng lở loét, nếu thấy các đốm đỏ có kích thước lớn, không đều, kèm theo hiện tượng rụng vảy thì có thể là do bệnh đốm đỏ hoặc bệnh xuất huyết. Kiểm tra trên mang cá khỏe thì mang đỏ tươi, nếu mang có màu đỏ gạch hoặc đỏ nâu là do cá thiếu oxy mãn tính, mang nhợt nhạt hoặc dính bùn là cá đã bị bệnh. Khi thấy cá chết mà chỉ xảy ra ở một loài có thể là do bệnh gây ra, nếu xảy ra trên nhiều loài có thể là do các yếu tố môi trường, tùy vào từng hiện tượng để có thể áp dụng biện pháp chữa bệnh tốt nhất cho cá.
 
 Trương Tuyến (Trung tâm Khuyến nông tỉnh)