Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn tình hình thời tiết những ngày tới sẽ có nhiều đợt nóng, nắng và mưa lớn, nguy cơ gây ra dịch bệnh. Để đảm bảo nuôi trồng thuỷ sản đạt hiệu quả, hạn chế các rủi ro ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số biện pháp phòng, trị bệnh cho cá Rô phi như sau:
 
 1. Bệnh  vi khuẩn.
 
1.1 Bệnh Steptococcus iniac
 
- Nguyên nhân: Vi khuẩn Streptococcus, do môi trường nuôi bị ô nhiễm sử dụng phân tươi (gà, bò, lợn..) trực tiếp xuống ao nuôi.
 
- Triệu trứng: Mắt lồi và đục, xuất huyết ở các vây và xương nắp mang.
 
- Xử lý: Áp dụng phương pháp phòng tổng hợp và vaccine. Khi cá bị bệnh dùng Erythromycin hoặc Ciprofloxacin, Enrofloxacin liều 25-50 mg/1kg cá/ngày, cho ăn 4-7 ngày.
 
1.2 Bệnh viêm ruột.
 
- Nguyên nhân: Vi khuẩn Aeromonas hydrophila
 
- Triệu trứng: Ruột trương to, chứa đầy hơi, xuất huyết vây, …
 
- Xử lý: Cải thiện môi trường nuôi tốt. Dùng Erythromycine hoặc Oxytetramycine liều dùng 10-12g/100 kg cá ngày đầu, từ ngày thứ 2-7 liều bằng 1/2 đầu, thuốc KN-04-12.
 
2. Bệnh ký sinh trùng.
 
2.1 Bệnh trùng bánh xe
 
- Nguyên nhân:  Họ trùng bánh xe Trichodinidae gây bệnh.
 
- Triệu trứng:  Vây cá có nhiều nhớt màu hơi trắng đục, da cá chuyển màu xám, thường nổi từng đàn lên mặt nước, bơi lội lung tung không định hướng
 
- Xử lý:  Tắm cho cá bằng nước muối  2-3% từ 5-15 phút hoặc CuSo4  nồng độ (3-5 g/m3) có sục khí liên tục.
 
2.2 Bệnh trùng quả dưa
 
- Nguyên nhân: Trùng quả dưa Ichthyophrius multifiliis.
 
- Triệu trứng: Da, mang, vây của cá bị nhiễm bệnh có nhiều trùng bám thành các hạt lấm tấm rất nhỏ, màu hơi trắng đục, màu sắc nhợt nhạt, nhiều nhớt.
 
- Xử lý: Dùng Formalin tắm với nồng độ 200-250 ppm  thời gian 30-60 phút  hoặc phun xuống ao nồng độ 20-25 ppm 3 ngày/lần.
 
2.3 Bệnh sán lá đơn chủ.
 
- Nguyên nhân: Sán lá đơn chủ Cichlidogyrus tilapine; Gyrodactylus niloticus.
 
- Triệu trứng:  Da cá tiết ra nhiều dịch nhờn ảnh hưởng đến hô hấp, gây viêm loét tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm và một số vi vật xâm nhập.
 
- Xử lý:  Tắm nước muối Nacl 2-3 % từ 5-10 phút; KMno4 nồng độ 20 ppm trong vòng 15-30 phút. Hoặc dùng Formalin tắm với nồng độ 200-250 ppm thời gian 30-60 phút.
 
2.4 Bệnh rận cá
 
- Nguyên nhân: Rận cá Caligus sp
 
- Triệu trứng: Rận cá Caligus thường ký sinh ở vây, mang. Cá có cảm giác ngứa ngáy, vận động mạnh, bơi lội cuồng dại, cường độ bắt mồi giảm.
 
- Xử lý: Dùng KMnO4 nồng độ 3-5 ppm phun xuống ao hoặc Chlorine phun xuống ao nồng độ 1g/m3. Hoặc Formalin phun xuống ao nồng độ 20-25 ppm.
 
Lưu ý:  Khi có phát hiện cá bị bệnh cần báo ngay cho cơ quan chức năng: Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư; Chi cục Thú y; Phòng Nuôi trồng thủy sản (Sở NN&PTNT) và cán bộ địa phương để hướng dẫn xử lý kịp thời, không tự ý vứt xác cá, thải nước ao bị bệnh chưa xử lý ra môi trường xung quanh để tránh lây lan./.
 
Kỹ sư Bùi Trọng Khiêm- Phòng Nuôi trồng thủy sản