Nhờ tận dụng mặt nước hồ nuôi cá lồng, nhiều hộ ở vùng lòng hồ Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có thu nhập cao. Từ nuôi cá lồng, người dân đã thay đổi tập quán chăn nuôi thay vì chỉ trông chờ vào đánh bắt nguồn lợi tự nhiên như trước đây.
 
 

Nông dân thôn Mới, xã Cấm Sơn (Lục Ngạn) thu hoạch cá lồng.
Đến lòng hồ Cấm Sơn vào thời điểm này, chúng tôi thấy nhiều lồng cá nổi trên mặt nước nhờ gắn vào những chiếc phao. Đang kéo lứa cá đến kỳ thu hoạch, anh Lương Văn Nền, thôn Mới, xã Cấm Sơn cho biết: “Nhờ hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện, đầu năm nay gia đình tôi nuôi 6 lồng cá trắm cỏ, nheo. Sau 6 tháng, bình quân mỗi con nặng 2-3 kg; tôi vừa bán hơn một tấn cá thu về 70 triệu đồng". 
 
Được biết, trước kia người dân nơi đây quen đánh bắt cá tự nhiên. Để khai thác hiệu quả mặt nước, đầu năm 2016, Trạm Khuyến nông huyện xây dựng mô hình hỗ trợ 6 hộ tại xã Cấm Sơn và Sơn Hải nuôi cá lồng với quy mô mỗi hộ một lồng. Nhờ được chăm sóc đúng quy trình, môi trường nước sạch nên cá sinh trưởng, phát triển tốt, đang cho thu hoạch, quy mô nuôi được mở rộng lên 33 lồng. Hộ ông Vi Văn Nhăm, thôn Tam Chẽ, xã Sơn Hải vừa bán hơn một tấn cá, thu lãi hàng chục triệu đồng và dự kiến sang năm sẽ mở rộng lên 6 lồng, tăng 2 lồng so với hiện tại. 
 
Với nguồn lợi bước đầu từ nuôi cá lồng, những năm tới, Trạm Khuyến nông huyện tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích bà con nhân rộng mô hình tại những nơi người dân sinh sống ở vùng hồ. Chị Lâm Thị Hà, Phó trưởng trạm Khuyến nông huyện  khuyến cáo, để nuôi cá lồng mang lại hiệu quả, trước hết cần làm lồng chắc chắn, tránh thất thoát; bà con không cho dư thừa thức ăn để hạn chế dịch bệnh; thường xuyên kiểm tra mật độ, biểu hiện của cá để điều chỉnh phù hợp. 
Theo báo BGĐT