Bà Đỗ Thị Luyến, Chi cục phó Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang, cho biết: Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có hơn 130,8 ha lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen, chủ yếu trên trà xuân muộn và giống lúa Khang Dân. Bệnh này có xu hướng phát triển trong thời gian tới và tỉnh đang tập trung phòng trừ để hạn chế thiệt hại xảy ra.
 
Từ cuối tháng 2/2010, bệnh lùn sọc đen hại lúa đã xuất hiện trên đồng ruộng một số nơi trong tỉnh với triệu chứng chưa điển hình nhưng nay đã lan ra trên địa bàn các huyện Hiệp Hoà 50 ha, Tân Yên 50, Việt Yên 30 ha, Lạng Giang 0,5 ha và Yên Dũng 0,3 ha. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai công tác phòng chống dịch bệnh hại cây trồng, nhất là bệnh lùn sọc đen hại lúa, ngô tới các huyện, thành phố trong tỉnh; phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng trừ bệnh này tới nông dân. Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh đã tập huấn về bệnh lùn sọc đen và cách phòng trừ cho tất cả cán bộ của Chi cục, các trạm bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông, phòng nông nghiệp các huyện, thành phố và sau đó các đơn vị này tập huấn đến tất cả cán bộ khuyến nông cơ sở trong tỉnh.
 
Hiện nay, Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh đang khuyến cáo, hướng dẫn nông dân thường xuyên tổng kiểm tra đồng ruộng kết hợp theo dõi bẫy đèn để dự báo mật độ rầy ( là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen ), phân tích mẫu rầy, phát hiện sớm và thực hiện kịp thời các biện pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen. Ở những ruộng có triệu chứng xuất hiện bệnh, nông dân khoanh vùng, phòng trừ rầy bằng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đối với những diện tích đã nhiễm bệnh, nông dân phun thuốc trừ rầy, tỉa bỏ những dảnh lúa bị bệnh và vùi sâu xuống bùn; đồng thời, chăm sóc cho lúa hồi phục sau khi bị bệnh và đền bù lại những dảnh đã nhổ bỏ tiêu huỷ. Một số nơi ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn cấy muộn hiện nay cần thực hiện các biện pháp kỹ thuật mới như “ 3 giảm, 3 tăng “, SRI để tăng sức chống chịu của cây lúa với dịch hại./.
 
Hoàng Dương