Chúng ta ai cũng biết, rau xanh không thể thiếu được trong khẩu phần ăn hàng ngày của mỗi người. Không giống như các loại cây rau màu khác, rau xanh được gieo trồng với nhiều chủng loại phong phú, có thời gian sinh trưởng ngắn nên đòi hỏi việc tưới nước, bón phân cũng như phun thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn. Từ đây nảy sinh ra nhiều vấn đề như: Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), lượng đạm trong rau vượt quá giới hạn cho phép; các loại ký sinh trùng có hại cho sức khỏe do sử dụng nguồn nước tưới bị ô nhiễm vi sinh… Các vấn đề nêu trên có khả năng gây ngộ độc cho người tiêu dùng. Như vậy, việc sản xuất và cung cấp rau an toàn cho thị trường đảm bảo dư lượng thuốc BVTV, hàm lượng Nitrat (NO3), kim loại nặng,...dưới mức cho phép là nhu cầu cần thiết.
 
Một thực tế khác đó là, hiện nay không chỉ ở các thành phố lớn mà ngay cả ở các vùng nông thôn, quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp đang ngày càng bị thu hẹp, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp sạch lại ngày một tăng. Vấn đề rau an toàn trở thành nhu cầu cấp thiết của người dân, là bài toán làm đau đầu các nhà quản lý, nhà khoa học và người tiêu dùng.
 
Vậy phương pháp cho vấn để sản xuất rau an toàn trong khi quỹ đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp là gì?
 
Đã có nhiều phương pháp sản xuất rau an toàn được thực hiện như: Trồng trong nhà kính, nhà lưới, trồng thủy canh và trồng ngoài đồng. Mỗi phương pháp đều có những ưu, nhược điểm riêng của nó. Trong điều kiện hiện nay, khi mà nhu cầu tiêu dùng rau an toàn tăng thì phương pháp sản xuất rau bằng công nghệ cao không dùng đất được một nhóm các nhà khoa học thuộc trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đưa ra là một bước tiến mới trong khoa học.
 
 
 
Với phương pháp này, việc thực hiện gieo hạt và trồng rau hoàn toàn không dùng đất mà trên các giá thể có sẵn như hộp xốp, giá nhựa,… Những giá thể này có thể phẳng rộng khoảng từ 1- 2 m2, cái thì đặt theo mặt phẳng, cái thì đặt thoai thoải nghiêng tạo tư thế như đất ở sườn đồi. Những chiếc giá này đơn giản, khá gọn nhẹ và có thể di chuyển khiến người ta liên tưởng và ví như chiếc “vườn treo”.
 
Phần trên của vườn treo là những miếng nhựa xốp có khoét nhiều lỗ nhỏ để làm hốc trồng cây. Phía dưới, đáy được làm bằng những vật liệu có chức năng giữ cho nước có pha dung dịch nuôi cây (phân bón đa, vi lượng) không bị thấm như nhựa, tôn lá,… Riêng với vườn treo ở tư thế nghiêng thì ở phần dốc cần có dụng cụ hứng nước và tưới trở lại. Dung dịch nuôi cây được nhắc tới ở đây gồm 10 nguyên tố đa, vi lượng cần thiết cùng với nguồn nước giếng đã được xử lý làm sạch, đảm bảo cho sự sinh trưởng và phát triển của cây rau trong điều kiện bình thường.
 
Công nghệ trồng rau an toàn không dùng đất sẽ giúp cây trồng hấp thu chất dinh dưỡng qua hệ thống tưới nhỏ giọt tự động hoặc bán tự động, tùy theo khả năng kinh tế của bà con. Khác với mô hình trồng rau quả trong nhà lưới, nhà kính có dùng đất thì công nghệ này giúp người trồng rau có thể hoàn toàn kiểm soát vấn đề nhiễm các kim loại nặng hay các hóa chất độc hại, vi sinh vật có hại khác như khi trồng rau bằng đất. Đồng thời quản lý được nguồn phân bón giúp cho rau không bị nhiễm độc tố ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
 
Bằng công nghệ này, cây rau sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất tăng 1,5 lần so với sản xuất trên đất, rút ngắn thời gian sinh truởng từ 5- 7 ngày/vụ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, làm tăng hệ số sử dụng đất 3- 5 lần. Công nghệ này có thể áp dụng cho những cơ sở trồng rau quy mô lớn, có mái che hay ngoài trời, cũng có thể dùng cho từng hộ ra đình, thậm chí ngay trên ban công, sân thượng của các khu nhà cao tầng trong các khu đô thị. Đặc biệt, công nghệ này rất phù hợp với những nơi có điều kiện tự nhiên không thuận lợi như các huyện đảo Trường Sa, các đồn biên phòng…Ngoài ra, chúng ta còn có thể sản xuất được rau an toàn ngay tại những vùng đất bị ô nhiễm. Công nghệ này hứa hẹn sẽ mở ra một khả năng tốt trong việc đáp ứng nhu cầu rau sạch trong bữa ăn hàng ngày./.
 
 Huyền Trang