QUY TRÌNH CHĂM SÓC VÀ PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH CHO DƯA LƯỚI TRONG NHÀ MÀN
1. Chăm sóc:
 
 - Treo cây: Cây được treo cố định sau khi trồng 7 – 10 ngày (cây cao khoảng 50cm), sử dụng dây để buộc sát gốc dưa lưới, hàng ngày quần ngọn dưa lưới theo dây buộc.
 
- Tỉa chồi: cây được tỉa bỏ các cành cấp 1 từ nách lá thứ nhất đến nách lá thứ 9, để lại các cành cấp 1 mang trái từ lá thứ 10 trở lên để thụ phấn, cành mang trái để lại 2 lá thật đầu tiên, còn các cành còn lại không mang trái cắt bỏ.
 
- Thụ phấn: thụ phấn bằng ong hoặc bằng tay.
 
+ Thụ phấn bằng ong mật: sử dụng ong mật để thụ phấn, lượng ong thả vào vườn 1.000m2 là 2 tổ, mỗi tổ 4 cầu, bắt đầu thả ong khi cây xuất hiện hoa cái đầu tiên (tương đương khoảng 15 – 20 ngày sau khi trồng), thả vào lúc mát mẻ.
 
+ Thụ phấn bằng thủ công: do con người thực hiện, khi  cây xuất hiện hoa cái thì tiến hành thụ phấn, sử dụng phấn hoa đực để chụp lên đầu nhụy hoa cái, thụ phấn trước 9h sáng, tiến hành thụ phấn liên tục trong vòng 7 ngày, khi hầu hết (100%) cây đều đậu trái thì ngưng thụ phấn.
- Tỉa trái: sau khi cây đậu trái, trái có đường kính trên 2cm thì tiến hành tỉa trái, chỉ để lại 1 đến 2 trái trên cây, còn lại tỉa bỏ hết nhằm tập trung dinh dưỡng để nuôi trái.
 
- Vị trí để trái: để trái từ nách lá thứ 10 đến nách lá thứ 15.
- Bấm đọt thân chính: sau khi cây được 25 lá thì tiến hành bấm ngọn thân chính để tập trung dinh dưỡng nuôi trái.
 
2. Phòng trừ sâu bệnh hại:
 
Dưa lưới trồng trong nhà màng chủ yếu bị một số đối tượng côn trùng gây hại như bọ trĩ, bọ phấn, rầy mềm, bệnh khảm, bệnh phấn trắng. Phòng trị theo hướng sinh học (thuốc sinh học), vật lý (bẫy dính màu vàng). Nên sử dụng các loại thuốc phòng trừ có tính tiếp xúc, mau phân hủy và có thời gian cách ly ngắn đồng thời tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng liều lượng và  nồng độ, đúng lúc, đúng cách.
 
* Bọ trĩ: sử dụng bẫy dính màu vàng để phòng ngừa bọ trĩ. Chăm sóc cây sinh trưởng tốt. Trong mùa nóng, sử dụng hệ thống phun sương và quạt thông gió làm mát để giảm bớt nhiệt độ nhằm hạn chế bọ trĩ phát triển. Sử dụng các thuốc có hoạt chất Thiamethoxam (Actara 25WG); Matrine (Sokupi 0.36AS); Dinotefuran (Oshin 20WP, Radiant 60SC).
 
* Bọ phấn: vệ sinh các loại cỏ dại xung quanh nhà màng là nơi ký chủ của bọ phấn nhằm hạn chế xâm nhập vào bên trong nhà màng. Dùng bẩy dính màu vàng để thu hút vả tiêu diệt bọ phấn trưởng thành. Có thể dùng luân phiên các loại thuốc có hoạt chất Thiamethoxam (Actaza 25WG), Dinotefuran (Oshin 20WP, Chat 20WP); Oxymatrine (Vimatrine 0,6L); Citrus oil (MAP Green 10AS), Galic Juice (BioRepel 10SL, Bralic – dầu tỏi 1,25SL), Pyrethrins 2,5% + Rotenone 0,5% + (Biosun 3EW); 
* Bệnh phấn trắng (do nấm Erysiphe Cichoracearum gây ra): Đặc biệt chú ý tỉa bỏ và vệ sinh sạch tàn dư thân lá bị bệnh. Xử lý kỹ nhà màng trước khi trồng. Bố trí mật độ trồng hợp lý. Bón phân cân đối N-P-K. Có thể dùng một số loại thuốc BVTV để phun trừ khi bệnh chớm xuất hiện và gặp điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát sinh gây hại của bệnh. Dùng Scroe 250EC (Difenoconazole), Amistar Top 325 SC (Azoxystrobin + Difenoconazole). 
Thu hoạch: Tiêu chí xác định độ chín, độ ngọt: khi thấy lưới tạo đều và phấn cuống trái đã xuất hiện lưới kết hợp chuyển màu hơi vàng là thời điểm thu hoạch thích hợp (tương đương 40 - 50 ngày sau thụ phấn) hay độ ngọt (độ Brix) đạt 12% trở lên là thời điểm có thể thu trái. 
Sản phẩm sau khi thu hoạch phải đảm bảo các dư lượng (đạm Nitrate, kim loại nặng, thuốc BVTV, vi sinh vật) dưới ngưỡng cho phép (theo QĐ số 867/1998/QĐ-BYT của Bộ Y tế), hình thức trái đẹp mắt. Thời điểm thu hoạch tốt nhất là vào sáng sớm hoặc chiều mát. Sau khi thu hoạch, vận chuyển ngay vào nhà sơ chế hoặc nơi thoáng mát để phân loại, đóng gói và vận chuyển đến nơi tiêu thụ sớm nhất. 
 
Đỗ Đặng Lộc