1. Phạm vi áp dụng
 
 Quy trình nhân giống cây vú sữa được áp dụng tại huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang và các địa phương có điều kiện sinh thái tương tự khác.
 
2. Các bước tiến hành
 
  a)  Chuẩn bị hạt và gieo hạt gốc ghép
 
 - Giống gốc ghép: Chọn hạt đầy đặn của những quả chín, không bị sâu bệnh. Tách, rửa hạt sạch xong tiến hành ủ vào cát hoặc giẻ ẩm tránh hạt bị khô mất sức nảy mầm.
 
- Gieo hạt: Có 2 cách
 
+ Gieo trực tiếp vào đất sau khi cây lên khoảng 2 - 4 lá mầm rồi nhổ cấy ra bầu:
 
+ Gieo trực tiếp vào bầu đất hoặc gieo vào cát ẩm sau khi hạt nứt nanh trắng mới gieo vào bầu đất nhỏ có kích thước: 15 cm x 18 cm.
 
  b) Chăm sóc cây gốc ghép
 
   -  Cây mới cấy nên làm khung có lưới đen che nắng tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào cây non. Thường xuyên làm cỏ tưới giữ ẩm cho cây.
 
   -  Sau khi trồng 12 - 14 tháng cây gốc ghép sẽ đạt tiêu chuẩn ghép (đường kính thân >0,8 cm).
 
  c) Thời vụ ghép:
 
    - Vụ xuân (tháng 4 - 5)
 
    - Vụ thu (tháng 8 - 9).
 
  d) Kỹ thuật ghép:
 
          -  Cách lấy mắt và bảo quản mắt ghép
 
    + Cắt mắt ghép vào buổi sáng, khi nhiệt độ còn chưa cao, hoặc buổi chiều khi nắng đã giảm. Mắt ghép được lấy trên những cành ở giai đoạn bánh tẻ có độ tuổi từ từ 70 -100 ngày tuổi.
 
   + Cành mắt ghép ngay sau khi cắt trên cây xuống tỉa hết lá và được chia thành các bó bọc trong giẻ ẩm hoặc rải ra thành lớp mỏng 15 - 20 cm rồi phủ kín vải ẩm lên trên, để trong khu vực thoáng mát, không có gió thổi trực tiếp vào nơi để mắt ghép.
 
   + Mắt ghép sau bảo quản đủ tiêu chuẩn ghép còn phải tươi nguyên, cuống lá chưa hình thành từng rời, và chưa bị rụng cuống.
 
          Thời gian bảo quản mắt ghép: tối đa là từ 2 - 4 ngày. Trong trường hợp phải vận chuyển đi xa thì mắt ghép phải được bảo quản cẩn thận hơn bọc bằng giẻ ẩm và xếp vào thùng carton trước khi mang đi.
 
          - Phương pháp ghép: Ghép bằng phương pháp ghép đoạn cành
 
- Phương pháp tiến hành:
 
           Dùng dao chuyên dụng, sắc, cắt một lát vát trên cành mắt ghép sao cho lát cắt thật phẳng. Chiều qua phần vỏ, lấy đi một phần dài lát cắt khoảng 1,5 - 2,0 cm. Trừ đoạn cắt vát, trên mỗi đoạn mắt ghép có từ 3 - 5 mầm ngủ (3 - 5 nách lá). Trên đầu cành gốc ghép, dùng dao sắc gọt phằng vết cắt. Chẻ một lát thật phẳng bên cạnh phía trong cành, sao cho vết chẻ vừa gỗ mỏng. Chiều dài vết chẻ vừa bằng chiều dài vết cắt vát trên đoạn mắt ghép. Chêm đoạn mắt ghép vào, dùng dây chuyên dụng quấn kín và chặt vết ghép, sau đó quấn một lượt dây ghép kín phần trên của đoạn mắt ghép.
 
3. Chăm sóc cây sau ghép
 
     + Phòng trừ/xua đuổi côn trùng, tránh dây quấn mắt ghép bị côn trùng cắn thủng sau mỗi một ngày ghép bằng các loại thuốc trừ sâu/trừ kiến phun/rải lên cây, dưới gốc cây với nồng độ nhẹ.
 
    + Tỉa bỏ mầm dại: sau khi ghép, vặt bỏ toàn bộ các chồi bất định mọc ra trên phần gốc ghép (mầm dại) khi các chồi này có chiều dài nhỏ hơn hoặc bằng 5 cm. Việc tỉa mầm dại được tiến hành thường xuyên.
 
     + Cắt dây ghép: khi đợt lộc thứ hai của mầm ghép thành thục, dùng dao sắc cắt đứt phần dây ghép quấn chặt cành ghép và mắt ghép, không để dây ghép thắt vào trong cành.
 
 Nguyễn Tươi
 
Thuộc đề tài: “Nghiên cứu tuyển chọn cây đầu dòng và một số biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây vú sữa tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang”