Kỹ thuật ủ chua: Sau khi cắt ngô cần rải xuống đất hoặc sân, phơi tái dưới nắng khoảng nửa ngày, làm cho cây ngô bị mất nước và khô đi một chút. Đó là yếu tố thuận lợi cho việc ủ chua thành công. Lưu ý là không phơi quá khô trước khi thái nhỏ và đưa vào hố/túi ủ. Trong lúc phơi, cứ 2 giờ cần trở đảo một lần để cây khô héo đều. Bước tiếp theo là tiến hành băm, thái ngô cây thành những mẩu nhỏ 3 – 5 cm. Sau đó chất vào hố/túi và nén thật chặt. Trong trường hợp chăn nuôi trâu, bò quy mô trang trại và sử dụng loại hố ủ hai vách song song, cần rải một lớp rơm hoặc cỏ khô xuống đáy hố, sau đó chất từng lớp thức ăn có độ dầy 40 – 60 cm, đều khắp hố. Sau mỗi lớp thức ăn, dùng máy kéo hoặc xe tải chạy từ đầu này đến đầu kia, song song với hai vách ngăn của hố để nén khối thức ăn. Cứ làm như thế cho đến khi hết thức ăn. - Cho thêm rỉ mật: Trong các loài cây thức ăn nhiệt đới, lượng đường thường không đủ để sản sinh ra đủ lượng axít lactic làm chua cho toàn khối thức ăn. Do vậy cần bổ sung thêm đường để tạo thuận lợi cho quá trình lên men lactic. Đối với cây ngô cần bổ sung 5 lít rỉ mật đường cho 01 tấn thức ăn. - Đóng hố ủ: Kỹ thuật đóng hố ủ cũng thay đổi tùy theo từng loại hố. Trường hợp hố ủ lớn, hai vách song song, sau khi đã nén kỹ lớp thức ăn trên cùng, dùng tấm bạt hoặc nilon dày, màu thẫm phủ kín toàn bộ miệng hố. Cuối cùng dùng các vật nặng (lốp xe cũ, gỗ…) chèn chặt lên trên. Đối với loại hố ủ xây, nhỏ, sau khi toàn bộ thức ăn đã được nén chặt tới miệng hố, tiến hành đóng hố ủ lại bằng cách phủ một lớp rơm (độ dày 5 cm) lên đỉnh hố, sau đó đổ một lớp đất dày (tối thiểu 30 cm) lên trên và bao phủ toàn bộ bề mặt hố ủ. Lớp đất này có tác dụng ngăn cản không khí và nước mưa thấm vào trong hố ủ, đồng thời giúp cho việc nén thức ăn được tốt hơn. Cần che hố ủ bằng nilon, bằng tôn hoặc tấm lợp fibrô-ximăng. Khoảng 72 giờ sau khi đóng hố ủ, hiện tượng lên men dừng lại. Cây ngô thức ăn chuyển thành thức ăn ủ chua. Khi đó bắt đầu một thời kỳ ổn định, kéo dài khoảng 6 – 7 tuần lễ. Thức ăn ủ chua này có thể sử dụng cho gia súc bắt đầu từ tuần lễ thứ 8. * Ủ chua cây ngô sau khi thu bắp non Loại cây ngô chín sữa – chín sáp và đã thu hết bắp (trong trường hợp trồng ngô lấy bắp đem bán non) có thể ủ chua. Tiến hành cắt cây ngô vào chính ngày thu bắp và phơi héo. Kỹ thuật ủ chua cũng tương tự như trường hợp cây ngô trồng làm thức ăn gia súc. Chỉ có điểm khác là phải sử dụng lượng rỉ mật đường lớn hơn (1 tấn thức ăn phải sử dụng 10 lít rỉ mật). * Ủ chua cây ngô sau khi thu bắp khô Phải ủ chua vào chính ngày thu bắp; không cần phơi thêm. Trước khi thái cây và lá ngô, cần loại bỏ bớt một số lá già, khô, phần dưới gốc cây. Đối với loại cây ngô này cần phải băm, thái nhỏ hơn và nén vào hố thật chặt; lượng rỉ mật cần thiết cũng lớn hơn (1 tấn thức ăn phải sử dụng 10 lít rỉ mật). NNVN