1. Giới thiệu chung về giống lạc đỏ Bắc Giang
 
Giống lạc đỏ Bắc Giang là giống chất lượng, có thời gian sinh trưởng 120-130 ngày vụ Xuân và 110-120 ngày vụ Thu Đông. Giống lạc đỏ Bắc Giang có chiều cao thân chính 40-50cm, thân đứng, lá màu xanh, quả nhỏ, eo nông, gân quả nông, vỏ lụa màu đỏ, khối lượng 100 hạt 50-55g, tỷ lệ nhân/quả đạt 72-75%. Năng suất trung bình 20-25 tạ/ha.
 
 

 
Ảnh: Mô hình trồng lạc đỏ ở xã Lan Giới, huyện Tân Yên
 
2. Thời vụ
 
- Vụ Xuân: Gieo trồng từ 20/1-25/2 dương lịch, tốt nhất 01-15/2 dương lịch.
 
- Vụ Thu Đông: Gieo trồng từ 15/8-30/9, tốt nhất từ 15/8-10/9.
 
3. Chuẩn bị giống
 
 - Sử dụng giống lạc đỏ Bắc Giang, không bị lẫn tạp, không nhiễm sâu bệnh hại.
 
- Trước khi gieo quả lạc giống được phơi lại dưới nắng nhẹ 2-3 giờ, thử lại tỷ lệ nẩy mầm, chọn hạt tốt đem gieo, giống đạt tiêu chuẩn phải đạt nẩy mầm trên 70%.
 
- Lượng giống: Trung bình là 160-200kg lạc vỏ/ha (6-7kg/sào 360m2).
 
4. Làm đất, gieo hạt
 
Đất thích hợp cho cây lạc là thịt nhẹ hoặc cát pha, đất phải cày bừa kỹ, sạch cỏ dại, lên luống hay trồng thành băng tuỳ thuộc vào địa hình nhưng phải đảm bảo giữ được ẩm và thoát được nước khi mưa. Lên luống rộng 40cm, cao 15cm, rãnh rộng 10cm (2 hàng/luống). Nếu đất ướt có thể áp dụng phương pháp làm đất tối thiểu. Gieo hạt khô: Trước khi gieo nên phơi lại dưới nắng nhẹ 3-4 giờ. Gieo lúc có mưa nhỏ, đất ẩm, nếu đất khô nên tưới vào rạch để hạt dễ nảy mầm, gieo hạt cách xa phân bón lót 3-4cm, sau đó lấp đất dày 2-3cm phủ kín hạt. Gieo hạt mầm: Hạt giống xử lý trong nước ấm (được pha theo tỷ lệ 2 sôi + 3 lạnh) trong từ 2-3 giờ và vớt ra để ráo rồi dùng bao bì ủ kín thúc mầm đến khi hạt lạc nứt nanh, nhú mỏ quạ mới đem ra gieo. (Lưu ý: Nếu gieo hạt mầm yêu cầu ruộng lạc luôn được giữ ẩm). Khoảng cách và mật độ gieo trồng: Hàng cách hàng: 25cm, cây cách cây: 10cm (1 hạt/hốc) hoặc hàng cách hàng: 25cm, cây cách cây: 20cm (2 hạt/hốc) đảm bảo mật độ 400.000 cây/ha.
 
5. Phân bón
 
- Lượng bón cho 1ha: 30kg N + 90kg P2O5 + 60kg K2O + 1.500kg phân vi sinh + 450kg vôi (Tương đương: 65kg đạm urê +500kg Supe lân + 100kg Kali clorua + 1.500kg phân vi sinh + 450kg vôi hoặc 1000kg NPK Sông Gianh 3-9-6+TE + 1.500kg phân vi sinh + 450kg vôi).
 
- Phương pháp bón phân:
 
Sử dụng phân đơn:
 
+ Bón lót: Toàn bộ phân vi sinh + lân + 1/3 đạm + 1/2 vôi.
 
(Phân vi sinh, vôi bón trước khi bừa đất lần cuối, phân vô cơ được bón vãi đều trên luống trước khi rạch hàng).
 
 + Bón thúc:
 
Lần 1: Bón 2/3 đạm khi lạc có 3-4 lá thật kết hợp xới xáo làm cỏ.
 
Lần 2: Bón hết lượng kali còn lại khi lạc có 6-8 lá thật, xới xáo nên xới sâu 5-6cm giữa hàng, giúp đất tơi xốp, thoáng khí, chú ý không vun gốc.
 
Lần 3: Bón hết lượng vôi còn lại, xới và kết hợp vun gốc sau khi lạc tắt hoa 5-7 ngày.
Sử dụng phân đa lượng:
 
+ Bón lót: Toàn bộ phân vi sinh + 400kg NPK + 1/2 vôi.
 
(Phân vi sinh, vôi bón trước khi bừa đất lần cuối, phân NPK bón vãi đều trên luống trước khi rạch hàng).
 
+ Bón thúc: Lần 1: 200kg NPK khi lạc có 3 - 4 lá thật kết hợp xới xáo làm cỏ.
 
Lần 2: Bón hết lượng NPK còn lại khi lạc có 6 - 8 lá thật, xới xáo nên xới sâu 5- 6 cm giữa hàng, giúp đất tơi xốp, thoáng khí, chú ý không vun gốc.
 
Lần 3: Bón hết lượng vôi còn lại, xới và kết hợp vun gốc sau khi lạc tắt hoa 5 - 7 ngày.
Chú ý: Để tăng năng suất và chất lượng quả nên phun thêm các chế phẩm vi lượng cho lạc, phun vào thời kỳ lạc ra hoa rộ.
 
6. Chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh
 
- Cần tiến hành dặm sớm để đảm bảo mật độ, làm cỏ xới xáo, vun gốc kết hợp với các lần bón phân.
 
 - Tưới nước: Kiểm tra tháo nước sau các đợt mưa lớn nếu ruộng lạc bị ngập
nước, trong điều kiện thời tiết khô hạn phải tưới nước vào hai thời kỳ quan trọng trước 172 khi ra hoa (thời kỳ 6 - 8 lá) và thời kỳ làm quả: tưới vào rảnh ngập 2/3 luống, để nước thấm đều rồi tháo cạn.
 
- Xới xáo:
 
+ Lần 1: Khi cây có 3-4 lá, xới nông đều khắp mặt luống, kết hợp bón thúc.
 
+ Lần 2: Khi cây có 6-8 lá, cây bắt đầu ra hoa. Xới sát gốc sâu 3-5 cm, làm thoáng gốc và nhặt sạch cỏ dại. Không vun đất vào gốc.
 
+ Lần 3: Sau khi cây ra hoa 10 - 15 ngày, xới và bón thúc lượng vôi bột còn lại, vun nhẹ quanh gốc.
 
- Phòng trừ sâu bệnh:
 
Chủ động phòng trừ sâu bệnh bằng cách bón phân cân đối, chăm sóc hợp lý, áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh và phòng trừ kịp thời, chú ý các đối tượng: sâu khoang, sâu xanh, sâu cuốn lá, sâu xám...
 
+ Sâu hại: Sâu xám, sâu xanh, sâu khoang… thường hại ở giai đoạn đầu của cây lạc và sâu đục quả ở giai đoạn tạo quả. Dùng một số thuốc có hoạt chất: Diafenthiuron, Emamectin benzoate hoặc Abamectin... để phòng trừ.
 
 + Bệnh hại: Gỉ sắt, đốm lá, lở cổ rễ, héo rũ. Dùng một số thuốc có hoạt chất:
 
Fuppicolide + Foseul Aluminium; Metalaxy + Mancozeb… để phòng trừ. Ngoài ra,
để ngăn ngừa bệnh trên lá làm rụng lá sớm sử dụng Boocđo phun lần 1 sau gieo 50 - 60 ngày, lần 2 cách lần 1: 15-20 ngày.
 
7. Thu hoạch và bảo quản
 
+ Chọn ngày nắng ráo để thu hoạch, thu hoạch khi cây có 70 - 75% số quả già
đối với làm giống và 80 - 85% số quả già đối với thương phẩm.
 
+ Phơi và bảo quản lạc giống: Phơi trên bạt, nong nia,cót, sân đất (không phơi trực tiếp trên sân gạch xi măng), phơi dưới nắng nhẹ đến khi vỏ lụa tróc ra là được.
Sau khi phơi phải để nguội sau đó cho vào bao nilon hoặc chum, vại đậy kín.
Lưu ý: Giống lạc đỏ Bắc Giang không có tính ngủ tươi nên cần kiểm tra độ chín để
thu hoạch đúng.
 
ĐT
 
(Kết quả Dự án Phục tráng và phát triển nguồn gen giống lạc đỏ Bắc Giang)