1. Giá thể và đất trồng
 
Yêu cầu giá thể: tơi xốp, khả năng giữ nước và thoát nước tốt, sạch nấm bệnh và vi khuẩn. Giá thể là hỗn hợp bã nấm đã được xử lý, xơ dừa, trấu hun…. Trộn với phân hữu cơ hoai mục (Phân trâu bò phơi khô) + Đất màu (2/5 xơ dừa, trấu hun + 2/5 đất màu + 1/5 phân hoai mục). Phun đều Ridomil (nồng độ 3g/lít) để xử lý nấm bệnh trong giá thể trước khi trồng.
 
2.  Chậu
 
Chuẩn bị chậu nhựa cao kích thước 22 x 20 cm, đường kính rộng 25-30 cm, có đục lỗ thoát nước. Mỗi chậu có thể trồng 3-5 củ.
 
3. Chuẩn bị nhà có mái che
 
Nên trồng trong nhà có mái che, trên có che lưới đen, để giảm bớt ánh sáng trực xạ cho cây.
 
4. Thời vụ và xử  lý củ giống
 
+ Căn cứ vào thời gian sinh trưởng và thời tiết để lựa chọn thời điểm trồng trong vụ Đông Xuân cho thời điểm thu hoạch vào đúng các dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễn: 8/3; 14/2...(Thời gian sinh trưởng của các giống khoảng 12-14 tuần).
 
+ Xử lý củ bằng cách ngâm ngập trong Rhidomil hoặc Daconil 1%  10-15 phút.
 
+ Củ giống SORBONNE được xếp lại củ sát nhau cho mầm hướng lên trên và xử lý trong nhà lạnh 12-15 độ trong 7-10 ngày, củ giống Lake Carey xử lý trong nhà lạnh 8 độ trong 7-10 ngày,  sau đó đem ra trồng khi chiều dài mầm 10-12 cm. Nếu không có kho lạnh nên tháo miệng túi, xếp lại củ sát nhau cho mầm hướng lên trên, tưới nước cho mầm mọc dài mới trồng.
 
5. Mật độ và cách trồng
 
+ Tuỳ vào chủng loại củ giống, độ lớn của củ và kích thước chậu có thể trồng 3-5 củ/chậu.
 
+ Lót đáy chậu 1 lớp giá thể xốp dày 5-6 cm, đặt củ hướng mầm ra phía vành chậu, lấp củ bằng giá thể dày 7-8 cm. Tưới đẫm nước.
 
+ Để cây thích nghi dẫn với điều kiện chiếu sáng, sau khi trồng phải dùng lưới đen che kín xung quanh và phía trên. Giai đoạn đầu che 2 lớp lưới, khi cây mọc cao 30cm thì tháo bớt 1 lớp lưới, khi  cây bắt đầu có nụ thì phải tháo ngay tất cả lưới để cây có ánh sáng.
 
+ Độ sâu lấp đất: 8 – 10cm (bằng hai lần chiều cao của củ).
 
5. Điều chỉnh ánh sáng
 
Sau trồng phải che sáng giảm 75% lượng ánh sáng bằng cách che 2 lượt lưới đen, đến khi mầm cao 30 cm thì giảm 50% lượng ánh sáng bằng cách che 1 lượt lưới đen. Khi cây phân hóa mầm hoa thì giảm 25% lượng ánh sáng bằng cách che năng từ 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều.
 
6. Phân bón
 
Bón thúc chia làm 3 lần:
 
+ Lần 1: Sau khi Lily nảy mầm cao 12 – 15 cm cần bón phân NPK Lâm Thao
 
+Lần 2: Thời kỳ sau lần 1 là 5 – 7 ngày.
 
+ Lần 3: thời kỳ xuất hiện nụ.
 
Sử dụng phân bón lá và chất điều hoà sinh trưởng: Kích phát tố hoa trái Thiên Nông, phân bón lá Sông Gianh, Komix để phun cho cây (1 tuần/lần)
 
7. Tưới nước
 
+ Sau khi trồng xong phải tưới đẫm nước để củ không bị héo khi trồng trên đất khô.
 
+ Khoảng 2 – 3 tuần đầu sau trồng thường xuyên tưới, phun nước duy trì độ ẩm đất, nhưng không được tưới quá nhiều để tránh ảnh hưởng tới rễ. Sau đó có thể giảm dần lượng nước tưới cho cây.
 
8. Phòng trừ sâu bệnh
 
* Bệnh thối rễ, củ: Đầu tiên bệnh làm chết lá gần gốc, sau phát triển lên trên làm cho các lá phía trên bị chết héo xanh, sau đó chuyển sang màu vàng rồi chết. ở rễ có màu nâu gây thối rễ, bệnh nặng thì hại cả củ, sau khi củ thối thì rễ cũng bị thối nát.
 
+ Cách phòng trừ: Chọn củ không bị bệnh để làm giống, trước khi trồng phải xử lý Foocmalin 40% hoà loãng 100 lần để tiêu độc đất.
 
+ Phun thuốc khi bệnh xuất hiện dùng một trong các loại sau: Vicarben – S 75 BNT: 25g/bình 10 lít hoặc Rhidomil MZ 72 WP, 25 – 30g/bình 10 lít
 
+ Nếu bị nặng có thể dùng Score với lượng 5-8ml/1 bình 8 lít hoặc dung Tilt Super (dạng nước chén tạo như thạch) pha nồng độ 1 hộp cho 1 bình 10 lít. Phun 2 – 3 bình/sào Bắc Bộ
 
* Bệnh cháy lá sinh lý: Thường xẩy ra ở thời kỳ cây phân hoá mầm hoa, trao đổi chất mạnh, cần sử dụng các biện pháp sau:
 
+ Dùng giống ít nhiễm bệnh cháy lá
 
+ Che sáng ở giai đoạn đầu
 
+ Phun hoặc hoà nước tưới bổ sung Ca(NO3)2 cho cây khi cây chớm có nụ đầu tiên trên vườn với nồng độ 0,6%. Tưới hoặc phun 3-5 ngày/lần. kết thúc khi cây ra xong toàn bộ nụ, có thể bón cho cây với lượng 2 kg/100m2.
 
* Rệp bông: Rệp chủ yếu gây hại thân, cành, lá, đặc biệt là lá. Rệp hút dịch lá làm cho cây khô héo, hoa biến dạng.
 
+ Phòng trừ: Làm sạch cỏ, cắt bỏ lá, thân bị hại rồi gỡ bỏ. Có thể dùng các loại thuốc hoá học sau để phòng trừ: Pegasus 500SC, 7 – 10 ml/bình 10 lít hoặc Supracide 40 ND, 10-20 ml/bình 10 lít. Phun 2 – 3 bình/sào Bắc bộ
 
9. Biện pháp điều chỉnh cho hoa nở sớm, muộn
 
+ Điều chỉnh cho hoa nở sớm: Quây nilon; thắp điện; phun chế phẩm kích thích ra hoa sớm: Đầu Trâu 902.
 
+ Điều chỉnh cho hoa nở muộn: Che nắng; hạn chế tưới nước; bao hoa; phun chế phẩm ức chế  (GA3, atonic).
 
10. Thu hoạch
 
+ Thu hoạch hoa lily khi có 1 hoa trên cành hoa chuyển màu hoặc cảm thấy mềm tay.
 
+ Bọc 5 cành hoa trong trong 1 bó vào nilon.
 
+ Bảo quản trong kho lạnh, nơi mát và chuyển đến nơi tiêu thụ.
 
Hoàng Thoa
 
Quy trình thuộc dự án: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng hoa Ly Ly trong chậu tại Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh Bắc Giang”