Ông Trần Đức Kỷ (53 tuổi), khu Xuân Ứng, xã Hương Lung, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) vay vốn đầu tư phát triển xưởng gỗ bóc thu 300 triệu/năm.
 

Xưởng sản xuất gỗ bóc ông Kỷ xã Hương Lung.
Xưởng gỗ đã tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương và mang lại thu nhập cao cho ông Kỷ.
 
Ông Kỷ cho biết, nhận thấy tiềm năng kinh tế rừng ở địa phương ngày càng phát triển, tư thương đến mua gỗ hay ép giá, ông đã mạnh dạn vay vốn anh em, bạn bè được trên 600 triệu đồng mở xưởng thu mua chế biến bóc gỗ ngay tại địa phương. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm làm nghề cùng những nỗ lực của bản thân, xưởng ván bóc của gia đình ông hoạt động ngày một hiệu quả.
 
Từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, và các xã lân cận, xưởng chế biến gỗ của ông hoạt động liên tục, chế biến được 15 m3 ván/ngày, tạo việc làm cho 10 lao động địa phương, với mức lương từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
 
Sản phẩm gỗ bóc của ông làm ra được các công ty ở TP. HCM về thu mua tận nơi đóng container để xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và các nước Trung Đông trừ chi phí mỗi năm xưởng của ông cho lãi trên 300 triệu đồng.
 
Gỗ bóc không phải là nghề mới, song đây là mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình vừa cho thu nhập cao, vừa đảm bảo việc làm và thu nhập cho lao động ở địa phương như ông Kỷ chưa nhiều. 
 
Từ mô hình của ông mở ra một hướng đi mới cho nghề chế biến lâm sản để các hộ gia đình trên địa bàn xã Hương Lung nói riêng và các xã trên địa bàn huyện nói chung mạnh dạn tìm hướng đi mới trong việc phát huy lợi thế của địa phương.
 
Theo: nongnghiep.vn