Trong quá khứ, cư dân đồng bào K’ho Cil từng phải vật lộn với kiếp mưu sinh, đói khổ. Chỉ đến khi bén duyên với cây dâu, con tằm, cuộc sống của họ mới thực sự thay đổi.
 
 

 
Nghề dâu tằm giúp người dân có cuộc sống ổn định.
Xã Mê Linh (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) là nơi tập trung đông đồng bào dân tộc K’ho Cil. Sản xuất nông nghiệp tại đây từng có giai đoạn “bế tắc” do làm manh mún. Cuộc sống của đồng bào luôn chìm đắm trong khó khăn, khổ ải, hộ nghèo luôn ở mức cao.
 
Chị Klong K’Bình sinh ra và lớn lên tại thôn Hang Hớt. Ở độ tuổi trưởng thành, thay vì rời địa phương kiếm kế mưu sinh như bao thanh niên thì chị quyết bám trụ quê hương. Cuộc sống khó khăn đã nhiều lần đẩy chị đi đến những suy nghĩ khác. Nhưng rồi, vì một tơ duyên nào đó, chị đã vượt qua và tự tìm được lối đi cho bản thân, gia đình.
 
Cầm con tằm trắng nõn trên tay, chị không giấu được niềm vui và thổ lộ: “Ngày trước, mình thấy bà con người Kinh ở Lâm Hà nuôi tằm nên tò mò lắm. Sau này, khi đã biết rõ về nghề, mình quyết định nuôi thử và thật không ngờ… mình cũng thành công”.
 
 

 
Ở xã Mê Linh, nhiều cánh đồng dâu rộng đã hình thành và bắt đầu chuyển sang sản xuất dâu tằm quy mô lớn.
Con tằm đến với Klong K’Bình là thế và cũng chính từ đây, mối tơ tiếp tục đến với chú Cil Ha La, Rơ Ông Ha Tông và cô Klong Săn để rồi đến hôm nay đã nở rộ khắp thôn làng. Một thanh niên cho hay, anh nghe chị K’Bình đưa tằm về nuôi và cũng đến tận nhà để học hỏi. Khi thấy những con non bò lổm ngổm trên nong tre, toàn thân anh nổi da gà, suýt bỏ đi vì… ghê rợn. Đến khi thấy bà chủ bốc đám tằm bỏ lên tay, anh mới biết nó không gây hại và anh đến với nghề từ đó.
 
Theo bà Nguyễn Thị Xuân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mê Linh, nghề trồng dâu nuôi tằm đến với đồng bào K’ho Cil từ nhiều năm trước với vài ba hộ nhỏ lẻ. Thời gian này, người đồng bào đa phần không dám tham quan mô hình vì nghĩ tằm giống như những con sâu ngoài nương rẫy, không dám nuôi trong nhà. Mãi đến đầu năm 2017, người dân mới thấy đây là nghề có thể giúp họ làm ra tiền nên mới tập trung đầu tư, sản xuất.
 
Theo cán bộ UBND xã Mê Linh, người đồng bào K’ho Cil đến với nghề dâu tằm ngày một đông và họ bắt đầu chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu. Những mảnh đất hoang bên bờ suối trước đây chỉ để cây hoang dại mọc thì nay được thay thế bằng bãi dâu.
 
 

 
Nghề trồng dâu nuôi tằm ngày càng phát triển rộng trong cộng đồng người đồng bào K’ho Cil.
Đến nay, toàn xã có hàng trăm hộ nuôi tằm với khoảng 83ha đất trồng dâu. Trên nương rẫy, người dân đầu tư hệ thống tưới bài bản, chăm sóc theo kỹ thuật để đảm bảo nguồn thức ăn quanh năm cho tằm.
 
Ở xã Mê Linh, các cơ sở chuyên cung cấp giống tằm cho người dân cũng là nơi thu mua kén nên người dân yên tâm về đầu ra cho sản phẩm. “Người K’ho Cil ở địa phương đang nuôi tằm ở quy mô từ 1-3,5 hộp/gia đình và trung bình, mỗi hộp cho thu hoạch 60kg kén. Ở mức giá 150 nghìn đồng/kg kén, người đồng bào có nguồn thu nhập lên đến trên 100 triệu đồng/năm”, một cán bộ xã Mê Linh thổ lộ.
 
Ông Krajan Ha Si thổ lộ, nghề nuôi tằm đang giúp nhiều bà con thoát nghèo nên gia đình ông cũng tìm hiểu để đầu tư. Mới đây, ông Ha Si đã chuyển đổi 1 sào cà phê kém hiệu quả sang trồng dâu và đến giữa tháng 11 thì nhập một hộp tằm về nuôi thử.
 
 

 
Người dân nuôi tằm từ con giống nên có thể thu kén sau 2 tuần chăm sóc.
Ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư Đảng ủy xã Mê Linh cho biết, địa phương có 4 thôn đồng bào dân tộc thiểu số với trên 500 hộ. Nhờ nghề nuôi tằm phát triển nên nguồn thu nhập của người dân được cải thiện, số hộ nghèo giảm mạnh. Thời gian tới, chính quyền phối hợp cùng các cơ quan chức năng để hỗ trợ người dân về giống tằm, nguồn vốn và tập huấn kỹ thuật chăm sóc để người dân phát triển kinh tế.
 
Theo: nongnghiep.vn