Nói đến nho là mọi người thường nghĩ đến Ninh Thuận, bởi đây nơi cung ứng Nho cho thị trường trong và ngoài nước. Đây là loại cây cho giá trị kinh tế rất cao, chính vì thế, người dân tại các tỉnh miền Bắc rủ nhau trồng nho với hy vọng sẽ thu được sản lượng cao. Tuy nhiên, nho là một loại cây khó trồng, không ưa độ ẩm và mưa, nhiệt độ thích hợp nhất để nho phát triển là từ 18 - 20ºC. Khi độ ẩm cao và mưa nhiều, cây nho sẽ bị phát sinh rất nhiều bệnh và ngập úng. Nhưng miền Bắc lại là nơi có độ ẩm rất cao, lượng mưa nhiều. Vì vậy, để có thể trồng nho năng suất ở miền Bắc bà con nên áp dụng kỹ thuật sau:

1.  Lựa chọn giống

Do điều kiện khí hậu không thuận lợi nên việc lựa chọn giống là điều rất quan trọng. Bạn cần lựa chọn giống có khả năng chống chịu được khí hậu đặc trưng của miền Bắc, khả năng chống chịu sâu bệnh cao. Theo nghiên cứu, các loại giống nho có thể sống tốt tại miền Bắc như: giống Cự phong, giống Tảo hồng và Hạ đen. Các giống này, khi trồng thử nghiệm ở miền phát triển rất tốt và cho năng suất rất cao lên đến khoảng 20 tấn/ha.

2.  Cách trồng nho

Cũng như ở các vùng miền khác, bạn hãy trồng vào lúc thời tiết nắng ấm, độ ẩm thấp và không bị mưa. Tốt nhất vào từ tháng 11 đến tháng 2 là có thể trồng được.

Mật độ trồng cây nho cách nhau từ 1-1,5m, hàng cách nhau khoảng chừng 2m. Kích thước hố trồng khoảng 50 x 50 x 50cm.

Bón lót bằng phân hữu cơ 8-10kg/hố sau đó lấp một lớp đất mỏng lại, rồi đặt cây vào chính giữa nho rồi lấp đất kín bầu cây. Sau khi trồng xong, bạn hãy tưới đẫm nước để cây im gốc.

Lưu ý, sau 10 ngày đầu tiên, bạn hãy vặt hết các mầm nhỏ của cây nho, chỉ để lại 1 mầm to nhất để cây leo lên giàn.

Sau 1 tháng, bạn có thể bắt đầu bón phân cho cây. Khi cây leo lên khỏi giàn khoảng 20-30cm thì các bạn bấm ngọn để cây ra cành cấp 1, Sau khoảng 8 tháng, cây nho có giàn to thì bạn mới bắt đầu tỉa bớt ngọn để cây ra trái.

 

 

3.  Làm giàn:

+ Khi cây nho cao khoảng chừng 25 –30cm, bạn cần tiến hành cắm cọc và cột cây nho vào cọc.

+ Nên làm thêm giàn lưới để cây nho có độ bám chắc, nên bố trí mặt giàn để tạo được khoảng trống. Bạn nên làm giàn nho càng thông thoáng càng tốt.

4.  Tưới nước:

Bởi đất miền Bắc có độ ẩm cao nên việc tưới nước sẽ không nhiều như ở nơi khác. Vào mùa nắng, bạn cần tưới nước, cấp đủ nước cho cây phát triển. Tốt nhất là khoảng 4 – 5 ngày tưới 1 lần.

Tuy nhiên, khi bước sang mùa mưa, những mùa có độ ẩm cao, bạn không nên tưới mà cần chú trọng nhiều vào việc làm rãnh để cây nho được thoát nước nhanh không bị ngập úng đồng thời bạn cần vun đất cao xung quanh gốc cây để tăng hiệu suất thoát nước vào mùa mưa.

5.  Bón phân:

Khi trồng nho được khoảng 15 ngày, cây bắt đầu bén rễ thì ta tiến hành bón lót bằng phân hữu cơ, phân bò, phân trùn quế, phân hữu cơ Nhật khoảng 100-200g/gốc bón trực tiếp cách gốc 15-20cm hoặc pha loãng với nước rồi tưới… Cứ khoảng 20 ngày lại bón 1 lần cho cây.

 

Đây là điều bạn cần lưu ý, khi trồng nho tại miền Bắc, chúng sẽ rất dễ bị nhiễm sâu bệnh. Chính vì thế, bạn cần bón phân hữu cơ đầy đủ để nho có sức khỏe tốt, chống chịu được các loại sâu bệnh.

Như vậy, chỉ cần bạn lựa chọn giống nho phù hợp để trồng tại miền Bắc thì việc trồng cũng không quá khó khăn như bạn nghĩ. Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp bạn biết được kỹ thuật trồng nho ở miền Bắc cho năng suất cao.

Đỗ Thơm t/h