Những năm gần đây huyện Lục Nam hình thành nhiều vùng chuyên canh cây rau màu khác nhau như khoai sọ - Khám Lạng, củ đậu – Bảo Sơn, dưa lê, dưa hấu- Chu Điện, đậu đỗ - Thanh Lâm…

Việc hình thành những vùng chuyên canh cây rau màu một phần do Lục Nam là vùng đất có nhiều lợi thế để phát triển trồng cây rau màu theo hướng hàng hóa, phần khác do người nông dân nơi đây có kiến thức khá chắc về canh tác rau màu thông qua các lớp tập huấn thường xuyên của hệ thống khuyến nông. Với những nghề truyền thống ấy đã giúp bà con nông dân nơi đây có thu nhập ổn định 10-12 triệu đồng/sào.

Gia đình chị Giáp Thị Thêm – Thôn Yên Thiện xã Bảo Sơn là một trong những điển hình trong việc đầu tư phát triển mô hình trồng cây rau màu, trong đó củ đậu là cây trồng chủ lực được gia đình lựa chọn để phát triển kinh tế. Vụ vừa rồi chị trồng 8 sào củ đậu, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi cây sinh trưởng phát triển tốt năng suất đạt 3,5 tấn/sào, với giá bán tại đầu bờ 5000 đồng/kg sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chị còn lãi hơn 10 triệu đồng/sào.

Chị Giáp Thị Thêm đang cắt, tỉa ngọn cho ruộng củ đậu của gia đình

Theo chị Thêm củ đậu rất dễ trồng xong để củ đậu cho năng xuất cao, củ to ăn không xơ bà con nên chọn những chân đất thịt nhẹ, đất cát pha, giàu mùn, tơi xốp,cao ráo dễ thoát nước để trồng (đặc biệt những chân đất mới khai hoang thường cho năng xuất rất cao) do củ đậu ưa những chân ruộng lạ. Ngoài việc chọn loại đất phù hợp với từng loại cây trồng thì việc giữ ẩm ruộng và bón phân cho cây cũng rất quan trọng, việc  bón phân luôn được chị cân đối giữa tỷ lệ đạm, lân, kali và phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh khác.

Cũng theo chị Thêm trồng củ đậu tuy dễ nhưng đòi hỏi người trồng mất nhiều công nhất là công lên luống trước khi trồng, vì luống củ đậu thường rộng 1,5 – 1,8m, cao 0.3-0.4m,  việc lên luống phải tiến hành làm hai đợt. Để đảm bảo thời vụ trồng các hộ thường tập chung làm đổi cho nhau vài ba nhà cùng làm, cùng xuống giống. Sau khi trồng được khoảng một tháng cần bấm ngọn lần đầu sau đó cứ 7-10 ngày dùng dao, kéo cắt tỉa hoa, nụ lộc non vươn dài khỏi mặt luống nhằm giúp cây chuyển nhanh từ giai đoạn sinh trưởng thân lá sang phát triển củ, tăng trọng củ, nâng cao chất lượng củ. Nếu thấy cây hơi cằn, lá vàng thì cần bón thêm phân các loại.

Cùng canh tác củ đậu trong thôn với chị Thêm là gia đình anh Bùi Văn Trắng cũng có thu nhập khá. Anh Trắng cho biết năm nào gia đình cũng trồng 8-9 sào củ đậu, biết cây củ đậu không chịu được úng ngập nên anh luôn chú ý lượng nước tưới cho cây chỉ đủ ẩm. Bệnh trên cây củ đậu chủ yếu bị sâu cuốn lá, lở cổ dễ, đốm lá, rầy rệp chíc hút, ngoài việc định kỳ phun thuốc bảo vệ thực vật thì sau mỗi trận mưa anh thường ra đồng kiểm tra những ruộng củ đậu của gia đình mình để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Theo kinh nghiệm của bà con Bảo Sơn củ đậu có thể trồng được nhiều vụ trong năm. Vụ Xuân trồng từ tháng 2-3 đến tháng 5 - 6 cho thu hoạch còn vụ thu đông bà con trồng từ tháng 7 đến tháng 9 để thu hoạch vào dịp tết Nguyên đán.

Ông Nguyễn Văn Thúy - cán bộ nông nghiệp xã Bảo Sơn cho biết với hiệu quả mà cây củ đậu mang lại, vài năm trở lại đây loại cây trồng này đã dần trở thành cây hàng hóa, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân xã Bảo Sơn. Hiện nay bà con trên địa bàn xã đang tiếp tục mở rộng diện tích, đặc biệt là xen canh đối với những chân ruộng ít nước để nâng cao hiệu quả sản xuất tăng thu nhập.

Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/