Những năm gần đây, phong trào nuôi ba ba đang phát triển rầm rộ ở các địa phương ở Việt Yên trong đó có xã Tiên Sơn. Theo sự giới thiệu của đông đảo bà con nhân dân trong xã, chúng tôi có dịp về thăm mô hình nuôi ba ba trơn của anh Nguyễn Văn Huệ ở thôn Kim Sơn, đây là mô hình có hiệu quả kinh tế và được đông đảo bà con lân cận đến tham quan, học hỏi.

Tiếp đón chúng tôi, anh Huệ niềm nở chia sẻ, trước đây anh cũng làm nhiều việc, đi nhiều nơi nhưng kinh tế bấp bênh. Sau đó, theo sự giới thiệu của bạn bè, anh đến xã Nghĩa Trung để tìm hiểu và học hỏi về kỹ thuật nuôi ba ba và về áp dụng nuôi tại gia đình mình. Năm 2008, anh bắt đầu nuôi ba ba với số vốn ban đầu hơn 100 triệu đồng, anh xây 01 bể ba ba giống với diện tích khoảng 27m2, bể ba ba thương phẩm anh chia làm 02 ngăn với tổng diện tích gần 300m2. Hiện anh đang nuôi cả ba ba giống và ba ba thương phẩm với tổng số trên 2.000 con. Năm 2017, anh thu được gần khoảng 80 triệu tiền bán ba ba. Năm nay, dự kiến anh thu được hơn 01 tạ ba ba thương phẩm và từ 1500 - 2000 con giống. Với giá bán hiện tại là 400.000 đồng/kg ba ba thương phẩm, từ 25.000 - 30.000 đồng/con ba ba giống thì năm nay anh thu được từ 80 triệu - 100 triệu.

Bể nuôi ba ba của gia đình anh Nguyễn Văn Huệ

Chia sẻ kinh nghiệm với chúng tôi, anh cho biết ba ba là vật nuôi có giá trị kinh tế cao nên bể nuôi ba ba cần được xây bằng gạch và láng xi măng, nước bể lúc nào cũng phải sạch để không bị thối bẩn, xung quanh ao phải xây tường bao để tránh trường hợp ba ba có thể bò ra ngoài. Nuôi ba ba cần phải chú ý bệnh nấm, khi mới bị bệnh, trên da, cổ, chân, xuất hiện những vùng trám trắng như bông. Khi ba ba bị viêm loét, nấm có thể phát triển trên các vết loét làm cho bệnh càng nặng thêm, ba ba dễ chết hơn. Bệnh có khả năng lây lan rất nhanh nên khi nuôi ba ba cần phải chú ý phòng bệnh. Về thức ăn cho ba ba, anh tận dụng cá tép nhỏ để cho ba ba ăn trực tiếp. Với cách nuôi này ba ba lớn nhanh, ít bệnh tật, chi phí thức ăn cho nuôi ba ba thấp, hiệu quả kinh tế cao.

Anh Huệ cho biết ba ba rất dễ nuôi, quan trọng là mình phải cần cù chịu khó, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, cho ăn đúng, đủ chất và giữ môi trường nước sạch, tránh gây ô nhiễm, như vậy sẽ đạt kết quả cao trong chăn nuôi… Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, anh Huệ luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân trong thôn, xóm để cùng nhau phát triển kinh tế, góp phần đa dạng hóa các đối tượng nuôi, thúc đẩy nghề nuôi thủy sản của xã Tiên Sơn phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân nơi đây.

Nguyễn Khương

Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/