Vùng sản xuất rau an toàn được cấp giấy chứng nhận VietGAP tại xã Trung Sơn

Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp &PTNT về việc “Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản theo chuỗi an toàn thực phẩm”, trong giai đoạn 2016-2020, huyện Việt Yên đã hỗ trợ nhiều địa phương cũng như hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng thành công mô hình này, từng bước đưa ngành nông nghiệp của huyện lên một tầm cao mới.

Giai đoạn 2016-2020, từ nguồn ngân sách của tỉnh, trên địa bàn huyện hỗ trợ xây dựng được 05 vùng sản xuất rau an toàn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích gần 26 ha (mỗi vùng 5 ha trở lên), với kinh phí hỗ trợ 360 triệu đồng, trong đó, nội dung hỗ trợ công tác tập huấn, tuyên truyền, cấp chứng nhận VietGAP, giống và thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm nông sản làm ra đạt năng suất, chất lượng cao cung cấp cho nhu cầu của thị trường.

Năm 2019, từ nguồn xây dựng nông thôn mới hỗ trợ 01 mô hình trồng hành liên kết theo chuỗi với 05 ha tại xã Việt Tiến với kinh phí khoảng 150 triệu đồng; hỗ trợ cấp tem, nhãn, bao bì cho rau, củ, quả cho 02 Hợp tác xã (HTX). Với kinh phí 240 triệu đồng/HTX, hiệu quả kinh tế tăng 20 - 23% so với sản xuất đại trà.

Cũng trong giai đoạn, bằng nguồn kinh phí của huyện hỗ trợ xây dựng 03 vùng rau an toàn được cấp chứng nhận VietGAP với diện tích 15 ha, kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng. Năm nay, huyện Việt Yên tiếp tục hỗ trợ 03 HTX Nông nghiệp xây dựng vùng sản xuất rau, củ, quả đạt chuẩn cấp giấy chứng nhận VietGAP, cấp tem, nhãn, bao bì sản phẩm với tổng kinh phí hỗ trợ 900 triệu đồng. Khuyến khích chuyển giao khoa học kỹ thuật, mô hình tập huấn hỗ trợ giống, triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân.

Các sản phẩm nông sản đều được HTX Dịch vụ nông nghiệp Lý Nhân, HTX nông nghiệp tổng hợp Minh Tâm, HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Việt Yên và HTX nông nghiệp Minh Đức đóng trên địa bàn thu mua nên người dân yên tâm sản xuất, đem lại giá trị kinh tế cao. Nổi bật khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/ha/năm. Bình quân thu nhập của người lao động đạt từ 6-10 triệu đồng/người/tháng; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 119 triệu đồng/ha/năm…

Để nâng cao năng xuất, chất lượng  nông sản hàng hóa, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn đảy mạnh, khuyến khích các HTX, tổ hợp tác việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo chuỗi liên kết; đồng thời, phối hợp với các đơn vị nghiên cứu như Viện Cây lương thực- thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang…triển khai nhiều đề tài, dự án, mô hình, các lớp tập huấn, hội thảo về chuyển giao khoa học kỹ thuật. Các cây trồng có giá trị kinh tế cao tiếp tục được duy trì và ngày càng mở rộng diện tích gieo trồng, tạo thành mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi.

Về việc định hướng trong thời gian tới, UBND huyện Việt Yên sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi an toàn thực phẩm, xác định đây là chủ trương quan trọng xuất phát vì lợi ích của người dân, của cả nước nói chung và huyện Việt Yên nói riêng, cần sự quan tâm tích cực của cả hệ thống chính trị; áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, quan tâm ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng xuất, chất lượng, giảm giá thành; mở rộng áp dụng biện pháp kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP phục vụ xuất khẩu, thích ứng cới biến đổi khí hậu. Hình thành nhiều vùng sản xuất liên kết theo chuỗi, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Đưa nông sản vươn ra thị trường khó tính ngoài nước, gia tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Bài, ảnh: Hương Giang

Theo http://khuyennongbacgiang.com/