Đốn tỉa cành sau thu hoạch là biện pháp kỹ thuật cơ bản trong thâm canh vải thiều. Đốn tỉa cành đúng kỹ thuật có tác dụng làm cho cây có tán đẹp, thông thoáng, các cành trong tán cây có thể nhận được đầy đủ ánh sáng giúp cho quá trình quang hợp của cây được đầy đủ, giảm sâu bệnh hại, cây sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất cao.

Ngay sau khi thu hoạch vải xong phải tiến hành đốn tỉa tán cho cây. Đối với những cây năm trước đã được đốn tỉa rồi thì việc đốn tỉa tạo tán cho cây đơn giản hơn những cây chưa áp dụng đốn tỉa tạo tán năm trước.

Bước 1:Dùng máy cắt hoặc dao phát toàn bộ mặt tán nhằm làm giảm chiều cao của tán, thu hẹp diện tích tán, tạo cho tán có hình bán cầu đẹp. Tiến hành tỉa những cành la, cành vóng, cành bị sâu bệnh, cành vượt (cành tược) trong tán làm cho lòng tán có hình phễu thông thoáng giúp cho ánh sáng chiếu vào làm giảm độ ẩm trong tán hạn chế sự sinh trưởng, phát triển của sâu, bệnh hại.

Bước 2: Tiến hành tỉa những cành khung mọc thẳng đứng ở giữa tán, cành mọc xiên xẹo, cành bị sâu bệnh tạo cho lòng tán có khoảng trống hình phễu ở giữa tán, tạo điều kiện cho ánh sáng chiếu vào làm giảm ẩm độ trong tán do vậy hạn chế sâu bệnh hại trú ngụ. 

Bước 3: Tỉa cành nhỏ trên bề mặt tán, với những cành khoẻ đường kính trên 1cm, ta để lại 2 nhánh hình ngạnh trê, Những cành yếu, đường kính cành nhỏ hơn 1cm chỉ để một nhánh khoẻ, cắt bỏ các nhánh còn lại, loại bỏ các lá già và các lá bị bệnh.

Đối với các vườn vải đã giao tán hoặc các vườn chưa đốn tỉa các năm trước do chưa nắm được kỹ thuật, hoặc không có điều kiện chăm sóc. Dùng máy cắt hoặc dao phát cắt sâu vào tán toàn bộ bề mặt, mục đích để thu hẹp và hạ thấp tán để các cây không giao nhau và thuận lợi cho việc chăm sóc sau này. Cắt tỉa những cành khung mọc xiên, cành mọc thẳng đứng giữa tán, loại bỏ các lá già, các cành sâu bệnh như bước 2 và bước 3.

Sau khi đốn tỉa xong tiến hành bón thúc ngay cho cây. Cần chủ động bón sớm ngay sau khi thu quả. Bón phân khi đất được tưới ẩm 70-80%. Lượng bón cho một cây gồm phân chuồng 30-50kg; phân lân super Lâm Thao 1-3kg; urê 0,2-1kg; kali clorua 0,1-0,5kg, tỷ lệ bón N:K=2:1 để kích thích ra lộc. Bón sâu 10cm thành 4-6 hốc quanh tán cây. Nếu trời không mưa, khô hạn phải tưới nước giúp cho cây nhanh phục hồi lại và phát lộc hè được thuận lợi. Sau khi đợt lộc đầu thành thục (gồm lộc đầu cành và các lộc trong tán) phải tiến hành tỉa lộc định cành. Nếu cành lộc sinh trưởng khoẻ thì mỗi đầu cành chỉ để lại 2 cành lộc, các cành yếu để lại 1 cành. Những cành lộc trong tán ta cũng tỉa thưa hợp lý, không để rậm rạp quá (sau này các cành lộc trong tán này cũng sẽ cho quả).

Đối với cây vải khoẻ trên 5 năm tuổi, cần chăm sóc tốt để vải ra được 3 đợt lộc (2 đợt lộc hè và 1 đợt lộc thu), đợt lộc thứ 3 cần kết thúc trong tháng 10 tạo điều kiện hình thành cành quả cho năm sau được thuận lợi, chống hiện tượng ra quả cách năm.

 Sau khi cây vải có đợt lộc thứ 3 thành thục ta lại tiến hành cắt tỉa cành thêm 1 lần nữa, loại bỏ bớt những cành tăm, cành sâu bệnh, cành gối nhau, giúp cho vải chuần bị bước sang giai đoạn phân hóa mầm hoa được thuận lợi.

Chú ý:Sau khi đốn tỉa cành cần kết hợp vệ sinh làm cỏ, thu gom những cành vừa đốn đem đốt bỏ để giảm nguồn sâu, bệnh lây lan cho vụ sau.

Việc áp dụng biện pháp kỹ thuật đốn tỉa tạo tán là này rất quan trọng trong thâm canh vải thiều, phối hợp với sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các bịên pháp kỹ thuật khác sẽ tăng rất nhiều hiệu quả sử dụng phân bón, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí công thu hoạch, đồng thời hạn chế sâu bệnh, đặc biệt là bệnh thán thư gây thối quả vải. Ngoài ra, áp dụng biện pháp đốn tỉa này làm cho cây vải có thể ra quả từ gốc đến ngọn, cả trong và ngoài tán, mẫu mã và chất lượng quả tăng./.

BBT