Phấn đấu giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 đạt 114 triệu đồngha/năm

Phát triển nông nghiệp Bắc Giang theo hướng hiện đại, bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh địa phương, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, các nông sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu; nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho người dân nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái, đó là Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2021 được Sở Nông nghiệp &PTNT phê duyệt.

Theo đó, năm 2021 toàn ngành phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP 1,3%/năm; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 đạt 114 triệu đồng/ha/năm; tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 là 37,5%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đến 2025 đạt 100%; năm 2021 có thêm khoảng 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, lũy kế tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) đạt 138 xã (chiếm 75% tổng số xã); có thêm huyện Yên Dũng đạt chuẩn NTM (lũy kế có 4 huyện đật chuẩn huyện NTM là Việt Yên, Lạng Giang, Tân Yên và Yên Dũng); bình quân mỗi xã tăng thêm tiêu chí đạt chuẩn NTM/xã là 0,5 tiêu chí/xã, lũy kế là 16,7 tiêu chí/xã.

Để đạt được kế hoạch đề ra, Ngành Nông nghiệp tập trung cao hoàn thiện các nhiệm vụ, nội dung tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND, đồng thời tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 401-NQ/TU và Kế hoạch số 115/KH-UBND về thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035. Triển khai các cơ chế chính sách phục vụ tái cơ cấu ngành, gắn với xây dựng NTM, trong đó chú trọng các cơ chế, chính sách phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo quy trình sản xuất tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… sản xuất theo chuỗi giá trị và các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh; đồng thời khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn; diện tích sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp công nghệ cao…

Phát triển chăn nuôi lợn, gà theo hình thức trang trại, gia trại tập trung, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, tập trung khôi phục đàn lợn đảm bảo cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và các địa phương khác. Điều chỉnh cơ cấu, quy mô đàn gia súc, gia cầm phù hợp với nhu cầu thị trường và diễn biến dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Tăng cường giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, quy định chặt chẽ việc quản lý và sử dụng thuốc thú y.

Mở rộng diện tích vùng nuôi chuyên canh, thâm canh thông qua việc chuyển giao khoa học kỹ thuật. Tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án phát triển vùng nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP đã được phê duyệt.

Tăng cường quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết số 249-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác liên hiệp hợp tác xã với doanh nghiệp…; theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, sâu bệnh hại trên các loại cây trồng, nhất là lúa mùa, để tiến hành phòng trừ kịp thời… Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Theo http://khuyennongbacgiang.com/