Thời gian qua, phong trào chăn nuôi thủy sản đã chiếm một vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, nuôi thủy sản vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh về nguồn nước cũng như diện tích ao, hồ sẵn có. Công tác ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để đầu tư thâm canh còn ít, dẫn đến năng suất, sản lượng chưa cao. Nhằm giúp bà con nông dân phát triển kinh tế, thay đổi thói quen nuôi thả cá nhỏ lẻ sang nuôi thả cá quy mô lớn, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp thành phố phối hợp với UBND xã Đồng Sơn triển khai mô hình nuôi cá trắm cỏ sử dụng chế phẩm sinh học Gos-Power, với quy mô 1,5ha.

Với mục tiêu tận dụng triệt để nguồn thức ăn sẵn có, từ đó mang lại hiệu quả về kinh tế, giảm dịch bệnh, cải thiện môi trường nuôi và giảm thiểu ô nhiễm gây ra do hoạt động chăn nuôi, Trung tâm lựa chọn 03 hộ thâm gia mô hình gồm: anh Nguyễn Văn Dương, Vũ Anh Tuấn ở thôn Tân Mỹ và anh Vũ Hải Lâm ở thôn Chùa, xã Đồng Sơn. Tổng diện tích ao nuôi cá của 3 hộ dân trên là 1,5ha, trong đó thả 15.000 con cá chủ yếu là trắm cỏ, chép, rô phi. Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 70% thức ăn và 50% chế phẩm sinh học, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ KT Nông nghiệp thành phố thường xuyên hướng dẫn người dân vệ sinh ao cá, cách phòng chống dịch bệnh và dùng thuốc kháng sinh phòng trừ khi cần thiết.

Anh Nguyễn Văn Dương, thôn Tân Mỹ, một trong những hộ dân tham gia mô hình chia sẻ, đây là lần đầu tiên các hộ dân nuôi cá trắm cỏ ở thôn sử dụng chế phẩm sinh học Gos-Power, kết quả bước đầu đã khẳng định được ưu điểm và hiệu quả bởi đặc tính dễ nuôi, môi trường ao nuôi luôn đảm bảo, hạn chế dịch bệnh, cá nhanh lớn, đem lại năng suất và hiệu quả cao hơn cách nuôi thông thường.

Qua đánh giá nghiệm thu của Trung tâm dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp thành phố, cá trắm cỏ của 3 hộ dân tại xã Đồng Sơn phát triển, sinh trưởng tốt, cá khỏe, ao nuôi sạch. Sau 8 tháng nuôi, tỷ lệ sống bình quân đạt 80%, trọng lượng trung bình đạt 3,5-4kg; hệ số thức ăn 1.8; sản lượng đạt 29,4 tấn (tương đương 19,6 tấn/ha), trừ chi phí thu lãi 170-200 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Vinh, Trung tâm Dịch vụ KT Nông nghiệp thành phố là người trực tiếp chỉ đạo mô hình cho biết, trong suốt quá trình nuôi các hộ đều sử dụng 100% thức ăn công nghiệp có hàm lư­ợng Protein 25-35%. Cho cá ăn theo phương pháp 4 định, định vị trí, định chất lượng, định số lượng, định thời gian. Khối lượng thức ăn và hàm lượng đạm trong thức ăn được cho ăn theo từng giai đoạn phát triển của cá.

Công tác quản lý môi trư­ờng nước ao nuôi cũng như­ phòng trừ dịch bệnh được chú trọng, định kỳ dùng vôi, kết hợp với chế phẩm sinh học gos-power để xử lý môi trường ao nuôi. Do đó, trong quá trình nuôi cá sinh trưởng phát triển tốt không có dịch bệnh xả ra.

Mô hình sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp để nuôi thâm canh cá trắm cỏ là chính mô hình mới, tuy nhiên, bước đầu đã khẳng định được ưu điểm và hiệu quả bởi đặc tính dễ nuôi, môi trường ao nuôi luôn đảm bảo, hạn chế dịch bệnh, cá nhanh lớn. Áp dụng quy trình nuôi cá trắm cỏ sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp có ưu điểm hơn hình thức nuôi truyền thống bởi đã rút ngắn thời gian nuôi, cá nhanh lớn, giảm được công lao động, mật độ nuôi tăng lên từ đó nâng cao được năng suất trên một đơn vị diện tích, tạo ra sản phẩm đảm bảo yêu cầu vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Nuôi cá trắm cỏ sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp rất dễ áp dụng và phù hợp với nhiều điều kiện về nguồn nước, chất đất và có thể triển khai trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, Trung tâm DVKT Nông nghiệp thành phố khuyến cáo, nuôi cá trắm cỏ sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp cần có vốn đầu tư và chủ động về con giống, thả mùa vụ sớm và kích cỡ cá giống ≥ 500g/con, nên thu hoạch vào dip tết Nguyên đán sẽ cho kết quả và hiệu quả cao hơn. Ngoài ra có thể kết hợp tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như: cám gạo, bột ngô, bột đỗ, thóc, cỏ,...để hạ giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo http://khuyennongbacgiang.com/