Anh Chiến đang đưa cán bộ KN đi thăm mô hình vỗ béo của gia đình mình

Đó là mô hình chăn nuôi vỗ béo bò thịt của gia đình anh Vi văn Chiến thôn Cầu Đá xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang, mỗi năm thu nhập trên 300 triệu đồng.

Tiếp chúng tôi tại trang trại chăn nuôi của gia đình, anh Chiến vui vẻ cho biết, gia đình bắt đầu nuôi bò năm 2015, thời điểm đó, vốn ít cộng thêm kinh nghiệm chưa nhiều nên chỉ nuôi 6 con. Sau quá trình nuôi và vỗ béo bò nhận thấy tuy vỗ béo bò cho hiệu quả không cao bằng nuôi lợn, nuôi gà nhưng đầu ra lại tương đối ổn định, tính an toàn cao do nuôi bò ít bị dịch bệnh nên anh quyết tâm bám trụ với nghề.

Những năm đầu anh thường đi gom bê trong dân về vỗ béo nhưng việc gom bê nhiều khi phụ thuộc lại mất thời gian nên anh bàn với chị mua thêm bò cái về nuôi sinh sản để chủ động nguồn giống. Đến nay, gia đình anh đang nuôi 60 con bò, trong đó 22 con bò cái đang trong độ tuổi sinh sản, số còn lại là bò thịt đang trong giai đoạn nuôi vỗ béo.

Để mở rộng quy mô anh nhận khoán thêm hơn 3ha đất của doanh trại bộ đội nơi xây thêm hai dãy chuồng và trồng cỏ để vỗ béo bò.

Khu chăn nuôi được anh làm rất quy củ. Đàn bò cái được nuôi nhốt tại một khu riêng biệt bởi theo anh bò cái có chửa cần được yên tĩnh để bê con phát triển một cách tốt nhất. Còn khu nuôi vỗ béo anh phân ra làm hai dãy. Mỗi dãy chuồng phân ra từng khu riêng biệt theo nguyên tắc cùng vào, cùng ra. Theo đó, phía cuối dãy chuồng là khu nuôi bò giai đoạn tạo khung, đây là nơi nuôi nhốt bò khi bò vừa qua giai đoạn nuôi tân đáo. Tiếp đó là khu nuôi vỗ béo, cuối cùng là khu bò vỗ béo thành công đang trong giai đoạn chờ xuất bán.

Sở dĩ, phân thành nhiều khu nuôi riêng biệt là do ở mỗi giai đoạn nuôi thì khẩu phần thức ăn và nuôi dưỡng bò là khác nhau nên rất để thuận tiện cho việc theo dõi quá trình sinh trưởng và chăm sóc đàn bò.

Một điều đặc biệt nữa chúng tôi nhận thấy ở mô hình vỗ béo bò của gia đình anh Chiến là đối tượng bò được anh đưa vào vỗ béo đồng nhất cả về giống và lứa tuổi. Anh Chiến chỉ lựa chọn giống bò Charolais và BBB để vỗ béo vì theo anh đây là những giống bò chuyên thịt sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn các giống bò địa phương và chọn bê có cùng độ tuổi từ 6-8 tháng để đưa vào nuôi vỗ béo theo nguyên tắc cùng vào cùng ra.

Để bảo đảm nguồn cung cấp bê giống đồng nhất về tuổi cho từng đợt vỗ béo anh liên kết với đội ngũ dẫn tinh viên trên địa bàn huyện. Theo đó, khi dẫn tinh viên đến phối giống cho đàn bò cái của gia đình anh và các gia đình khác trên địa bàn huyện, nếu có bê con đến tuổi bán họ sẽ giới thiệu anh đến thu gom về vỗ béo.

Khi phần lớn những người chăn nuôi đều cho rằng cái khó khăn nhất trong quá trình chăn nuôi là yếu tố dịch bệnh thì anh Chiến nuôi bò lại cho rằng cái khó khăn nhất trong quá trình vỗ béo bò mà gia đình anh gặp phải không phải là vấn đề dịch bệnh mà là vấn đề giải quyết thức ăn thô xanh cho đàn bò khi mùa đông đến. Để giải quyết khó khăn này anh nhận khoán thêm đất của Doanh trại nơi anh công tác để trồng cỏ. Các giống cỏ được anh ưu tiên trồng là giống cỏ tía, cỏ VA06 cỏ voi…. Vào những tháng mùa xuân cỏ sinh trưởng phát triển mạnh anh thường thu hoạch để ủ chua, rồi anh thu gom thân cây ngô ở các vùng lân cận về chế biến, bảo quản dự trữ khi mùa đồng đến. Đồng thời, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tổ chức nên anh cập nhập và áp dụng những tiến bộ khoa học trong chăn nuôi vào thực tiễn sản xuất rất kịp thời.

Ông Nguyễn Khánh Hùng- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lạng Giang chia sẻ, mô hình vỗ béo bò thịt của gia đình anh Vi Văn Chiến thôn Cầu Đá, xã Quang Thịnh là một trong những mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào chăn nuôi của huyện. Mô hình được đông đảo bà con chăn nuôi đến tham quan học tập kinh nghiệm. Hiện mô hình cũng đã được nhân rộng trên địa bàn xã Quang Thịnh và các xã lân cận trên địa bàn.

Theo http://khuyennongbacgiang.com/