Nhằm triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19,  sáng ngày 17/9/2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT  tổ chức Hội nghị trực tuyến phòng chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Tham gia Hội nghị có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các Bộ Nông nghiệp và PTNT, Công thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389; đại diện tổ chức FAO tại Việt Nam; các doanh nghiệp và cơ quan truyền thông; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan liên quan tại các tỉnh, thành trong cả nước.

Tại Hội nghị, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có báo cáo khái quát về tình hình phát triển chăn nuôi và công tác phòng chống dịch trong năm 2021, các kế hoạch và giải pháp thực hiện đầu năm 2022. Năm 2021 là một năm nhiều biến động của ngành chăn nuôi, thú y. Các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi như Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Dịch tả lợn Châu Phi… vẫn xảy ra và gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi tại các tỉnh, thành trong cả nước; các bệnh mới như Viêm da nổi cục, Cúm gia cầm thể độc lực cao A/H5N8 xâm nhiễm và bùng phát… gây tổn thất kinh tế trên 1.500 tỷ đồng. Ngành chăn nuôi gặp khó do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao do sự tăng giá của nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chi phí lưu thông vận chuyển hàng hóa, đồng thời do giãn cách xã hội nên tiêu thụ thực phẩm giảm…

Phát biểu tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Lê Bá Thành – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham luận về tình hình chăn nuôi và công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, đồng thời phân tích những khó khăn, tồn tại và đưa ra các giải pháp phát triển chăn nuôi cũng như phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới. Năm 2021, đàn vật nuôi của tỉnh phát triển khá ổn định, các bệnh nguy hiểm như Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh, Dịch tả lợn Châu Phi, Viêm da nổi cục... không xảy ra trên địa bàn; công tác giám sát dịch bệnh và xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, vùng an toàn dịch bệnh trên gà tại huyện Yên Thế được lãnh đạo tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT quan tâm... Trong thời gian tới, tỉnh tập trung làm tốt công tác triển khai chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp với tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo chuỗi gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Tại hội nghị, các đại biểu còn được nghe nhiều ý kiến tham luận của các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành và các doanh nghiệp chăn nuôi, cung ứng vắc xin, thuốc thú y.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo Cục Thú y bám sát việc thực hiện kế hoạch quốc gia phòng chống dịch bệnh trên động vật, thủy sản; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu vắc xin, nhất là vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục, Cúm gia cầm A/H5N6, A/H5N8; tăng cường xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh… Cục Chăn nuôi phối hợp với các địa phương chuẩn bị thật tốt giống, thức ăn chăn nuôi chuẩn bị vụ sản xuất mới, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng từ nay đến cuối năm; kết nối cung cầu để điều tiết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; tăng cường việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học… Các địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh động vật, thủy sản đồng thời hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người dân trong việc sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong điều kiện chống dịch Covid-19…

Theo http://www.khuyennongbacgiang.com/