Kỹ thuật làm đất:

          Cây nho là cây thích hợp trồng trên nhiều loại đất khác nhau như đất cát pha, đất phù sa, đất lẫn sỏi đá đến đất thịt nặng, với độ sâu tầng canh tác khác nhau. Tốt nhất nên trồng trên đất phù sa, có thành phần cơ giới nhẹ, đất thịt pha cát, đất tơi xốp có kết cấu đất tốt, mực nước ngầm sâu, PH = 5,7 – 7,0. Tuy nhiên có thể trồng trên nhiều chân đất khác nhau nhưng cần được cải tạo đúng với yêu cầu sinh trưởng, phát triển của cây nho vì nho là cây trồng lâu năm với chi phí đầu tư khá cao. Nên tránh trồng trên các loại đất sét nặng, đất có tầng canh tác nông, hệ thống thoát nước kém, đất mặn, đất quá chua không được cải tạo

          - Làm đất:Đất được cày bừa thật kỹ, tơi xốp, làm nhỏ đất và làm sạch cỏ dại.

          - Lên luống: Chiều rộng 2,5m, chiều cao 30 - 50cm, thành luống vát cong theo hình mai rùa, rãnh luống rộng 40 - 50cm đảm bảo dễ thoát nước.

          - Mương thoát nước:Chiều rộng 40cm, sâu hơn rãnh luống từ 20 - 30 cm, bố trí xung quanh khu vực trồng nho đảm bảo nước không đọng lâu trong rãnh luống.

          Kỹ thuật trồng nho Hạ đen

Thời vụ

Cây nho có thể trồng được quang năm. Tuy nhiên để đạt được tỷ lệ sống cao ở các tỉnh phía Bắc có 2 vụ chính: vụ Xuân: trồng từ tháng 2-3;  vụ Thu: trồng từ tháng 9-10 nhưng tốt nhất là trồng vào vụ xuân có độ ẩm không khí cao và có mưa xuân nên tỷ lệ cây sống cao.

Tình trạng giống khi trồng

Cây giống là cây giâm cành, rễ trần. Cây giâm cao từ 35 – 40 cm, rễ tỏa tròn, phát triển rộng, có 3 – 5 mầm tươi to đều, không dị hình, không có biểu hiện của sâu bệnh hại. Giống phải có nguồn gốc rõ ràng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

Mật độ, khoảng cách trồng:

- Khoảng cách: 3m x 1m (cây cách cây 1m; hàng cách hàng 3m).

- Mật độ trồng: 3333 cây/ha.

- Hố trồng: Đào hố chính giữa, dọc theo luống, trồng 1 hàng/ luống kích thước hố trồng 60 x 60 x 60 cm. Bón lót trước khi trồng mỗi hố : 8 -10 kg phân chuồng (1 ha 32 - 40 tấn) hoặc 3 kg phân vi sinh (1 ha 12 tấn phân vi sinh).       

- Kỹ thuật trồng: Cho cây giống xuống hố trồng, dàn đều rễ sao cho phần rễ phải tỏa tròn ra xung quanh, lấp đất, tránh cho rễ cây tiếp xúc trực tiếp với phân. Yêu cầu cây trồng phải thẳng hàng, rễ không bị gấp khúc. Trồng cây vào buổi chiều mát, sau khi trồng phải tưới đẫm nước cho cây.

Kỹ thuật làm giàn:       

Nho là cây thân gỗ dạng dây leo do vậy trong quá trình chăm sóc nho cần phải làm giàn cho nho leo. Làm giàn nho có nhiều cách như: Giàn hình chữ T; chữ Y…song tại mô hình của đề tài, chúng tôi tiến hành làm giàn nho theo hình chữ Y. Giàn chữ Y có ưu điểm thấp dễ dàng trong thực hiện các thao tác chăm sóc và thu hoạch, luống nho thông thoáng tạo điều kiện cho cây hấp thụ ánh sáng đầy đủ, hạn chế sâu bệnh.

-  Tiến hành cắm cột cho nho, cố định cây nho vào cột khi cây nho cao 25-30 cm.

- Kết cấu giàn trồng: Các cột giàn được làm bằng sắt ống phi 40, tầng nghiêng chữ Y được làm bằng sắt ống hộp vuông 40×40mm chôn bê tông sâu 50cm để chịu được sức nặng của giàn. Chiều cao của các cột  giàn cao 2m2 để căng dây cao từ 1,8 - 2,0m được cắm dọc theo luống mỗi cột cách nhau khoảng 3m, cột được gia công kiên cố để chịu được sức nặng của cả giàn cây. Giăng thép không gỉ vào nóc trên của các cọc và phía dưới mép chân cọc tạo khung sườn cho giàn. Ở độ cao 1m, kéo dây thép không gỉ chạy dọc luống, có 3 tầng dây thép được buộc vào cột và các dây ngang, tầng nghiêng chữ Y được căng 3 dây cách đều nhau để cho nho leo.

Tạo cành cấp 1, cấp 2:

- Giai đoạn cây chưa lên giàn: Khi cây được 7 lá thật cắt bỏ ngọn chính để lại 5 lá thật, cắt bỏ nhánh bên để lại 02 nhánh bên cao nhất, cắt bỏ  tua ngay sau khi tua dài từ 3cm trở lên.

- Giai đoạn cây lên giàn: Trên hai nhánh bên cao nhất để lại buộc cố định vào dây số 1 để hai nhánh phát triển đều sang 2 bên (cành cấp 2), sau khi mỗi nhánh được 7 lá thật thì ngắt ngọn.

Thường xuyên cắt tỉa ngọn các nhánh bên và tua của cây nho, cắt bỏ ngọn chính để lại 5 lá thật, cắt bỏ nhánh bên để lại 02 nhánh bên cao nhất.

Trên đây là kỹ thuật làm đất và trồng nho Hạ đen. Chúc bà con thành công./.

BBT