1. Sâu xanh da láng:

Sâu non có màu xanh lá cây, xanh nhạt đôi khi có nhiều sọc đen trên thân, kích thước tối đa dài trên 2cm. Nhân dạng dễ là sâu thấy bên dưới mặt lá nho có các ổ trứng phủ một lớp lông trắng, sâu non mới nở cắn phá tập trung xung quanh ổ trứng, làm nát lá. Sau lớn hơn tuổi 3 phá mầm non, hoa.

Loại sâu này khó trị bằng thuốc hóa học, sử dụng các biện pháp ngắt ổ trứng trên lá, sâu mới nở ngắt bằng tay vào buổi sáng sớm, chiều mát. Hoặc sử dụng thuốc Vicin – S liều lượng 30 – 40 ml/bình 10 lít (3 – 4 bình/1000m2), Sherpa 25EC với 0,3 – 0,4 lit/ha, Sumicidin 20 EC 0,5 – 0,6 lít/ha.

2. Bọ trĩ (rầy lửa): (Chủ yếu là loài Scritothrips dorsalis)

Là loại chích hút phát triển mạnh trong điều kiện khô hạn, chích hút các bộ phận non của cây làm rách các tế bào biểu bì để hút phần nhựa của cây chảy ra, làm lá có màu ánh bạc hoặc hơi cong xuống. Hại trên chùm hoa làm hư hại cuống dẫn đến hoa vàng, đậu quả kém. Nhận biết bằng mắt thường màu hơi vàng, dài khoảng 1mm di chuyển khá nhanh.

Biện pháp:Cần phát hiện sớm để phòng trừ và chống lây lan, có thể phun nước vào sáng sớm hoặc sử dụng các loại thuốc nhóm Imidachloprid (Confidor , Admire, Map-jono,…) Abamectin (Tungatin, Azimex, Amectin AIC...)...

3. Nhện vàng (Phyllocoptes vitis Nal):

Nhện có kích thước rất nhỏ, nhện phát sinh trong điều kiện khô nóng, phá hoại chủ yếu phần non của cây. Nhện chích hút nhựa làm lá biến dạng, ngọn cong queo. Nhện chích hút làm nứt quả khi quả chín.

Biện pháp:sử dụng thuốc Propargite (Comite, Saromite), Fipronil (Regent, Tungent, Rigell,...) khi thấy có triệu chứng bị nhện phá hại.

4. Nhện đỏ: (Eotranychus carpini)

Nhện nhỏ li ti và di động, thường tập trung mặt trên lá và chích hút dịch làm cây suy yếu,  ảnh hưởng đến năng suất.

Biện pháp:trị bằng thuốc Abamectin (Tungatin, Azimex, Amectin AIC...), Profenofos (Nongiaphat, callous...), Matrine (Kobisuper, Wotac...), Rotenone (Dibaroten, Newfatoc,...) các loại thuốc có chứa lưu huỳnh...

5. Rệp sáp: (Ferrisiana virgata)

Thân rệp có phủ một láp sáp như bông, vì vậy nông dân thường gọi là rầy bông. Rệp phá hoại hầu hết các bộ phận của cây, chúng hút nhựa làm cây suy yếu, chồi nho bị co cúm lại, giảm khả năng ra hoa và giảm chất lượng quả.

Vườn nho thường bị rệp sáp cần phải rửa cành kĩ sau khi cắt cành; Có thể phòng trừ bằng các loại thuốc như: Methidathion (Suprathion), Imidacloprid (Confidor , Admire, T-email,…) Emamectin benzoate (Tungmectin, Eagle,…).

6. Bệnh Mốc sương: (Downy mildew)

Bệnh do nấm Plasmopara viticola gây ra, nông dân còn gọi là nấm trắng hay bệnh nấm lá. Nấm thường phát sinh vào các tháng thời tiết nóng ẩm, có mưa nhiều, ẩm độ cao vụ xuân thì bị nặng cần chú ý kiểm tra và tiến hành phòng trừ kịp thời.

Biện pháp:Làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, tiêu thoát nước vườn nho kịp thời, duy trì mật độ cành thích hợp và bón phân đầy đủ, cân đối.

Có thể dùng các loại thuốc có gốc Đồng, Mancozeb (Dithane, Dizeb-M 45,…), Metalaxyl (Mataxyl, Binhtaxyl, …) Mancozeb + Metalaxyl (Ridomil Gold,  Mancolaxyl, Tungsin-M,…  ), Cymoxanil + Mancozeb (Cuzate-M8, Victozat, Cajet-M10…), Fosetyl Aluminium (Alimet, Alpine,…) Chlorothalonil (Daconil)…để phòng trị.

7. Bệnh phấn trắng (gọi nấm quả): (Powdery mildew) do nấm Uncinula necator

Nấm phát triển mạnh nhất vào vụ Đông Xuân, nấm bệnh tấn công các phần xanh của cây, trên quả có thể thấy rõ các vết màu trắng hơi xám, bệnh làm quả nứt và kém phẩm chất.

Phòng trừ:khi bệnh nặng thì dùng các loại thuốc như: lưu huỳnh vôi, các chế phẩm có chứa đồng, nhóm thuốc Diniconazole (Sumi-eight), Hexaconazole (Levil, newvil,…), Azoxystrobin + Difenoconazole (Myfatop, Ara-super, Help,…) Kasugamycin (Bisomin, Newkaride, Karide,…), ....

8. Bệnh nấm cuống: (Bunch rot)

Bệnh do nấm Diplodia sp gây ra, bệnh thường phát sinh vào những tháng mưa nhiều. Nấm tấn công vào cuống chùm làm hoa, quả bị khô, giảm năng suất và phẩm chất.

Biện pháp:Có thể phun ngừa bệnh bằng các loại thuốc như: Triadimenol (Bayfidan), Difenoconazole (Score), Diniconazole (Sumi-eight), Mancozeb + Metalaxyl (Ridomil Gold, Mancolaxyl)... Khi phát hiện bệnh cần kịp thời ngắt bỏ các phần bị bệnh để tránh lây lan.

9. Bệnh rỉ sắt: (Rust)   

 Bệnh do nấm Kuehneola vitis gây ra, nấm bệnh màu vàng rỉ sét, gây hại chủ yếu trên lá già và lá bánh tẻ, vì thế thường thấy nấm xuất hiện vào cuối vụ trong các tháng mưa nhiều, nấm có thể làm tàn lụi bộ lá trước khi cắt cành, việc giảm diện tích quang hợp ảnh hưởng đến năng suất vụ sau.

Để phòng tránh có hiệu quả nên phun thuốc sớm khi thấy có vết bệnh bằng các loại thuốc như: Difenoconazole (Score), Diniconazole (Sumi-eight), Hexaconazole (Vivil, Levil, newvil, …), ...

 10. Bệnh thán thư: (Anthracnose)

Nguyên nhân gây bệnh là nấm, nấm Elsinoe ampelina gây hại giai đoạn quả non, vết bệnh lõm và có viền bao quanh. Nấm Glomerella cingulata thường gây hại khi quả đã lớn (trắng quả) đến thu hoạch, các vết bệnh liên kết lại với nhau gây thối và nứt quả.  Bệnh phát triển mạnh trong mùa mưa.

Biện pháp:chú ý các biện pháp tổng hợp như vệ sinh đồng ruộng, tiêu thoát nước kịp thời, bón đạm hợp lý, tạo giàn nho thông thoáng và duy trì mật độ cành hợp lý, áp dụng biện pháp bao chùm quả, không trồng dưới giàn nho các loại cây ký chủ như bông vải, hành ta, dưa chuột, …

  Có thể dùng các loại thuốc như sau:

Đối với tác nhân Esinoe ampelina dùng thuốc có hoạt chất Mancozeb (Dithane, Manzate, Dizeb, Manozeb, …), Ziram (Ziflo), Prochloraz (Octave, Mirage, Nizonix,…),

Đối với tác nhân Colletotrichum gloeosporioides dùng thuốc có hoạt chất Ziram (Ziflo), Carbendazim (Bavistin, Benvil, carben, …), Propineb (Antracol, Aconeb, Alphacol, …).

Ngoài các bệnh chính kể trên, cây nho còn có một số bệnh khác với mức độ nhẹ và không thường xuyên như Bệnh đốm lá do nấm Phaeoisariopsis vitis, Bệnh mốc xám do nấm Botrytis cinerea, Bệnh thối đen do nấm Gingnardia bidwellii ... Cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp và có thể sử dụng các loại thuốc hóa học như đối với các bệnh trên.

BBT