Khoai lang là sản phẩm nông sản có hàm lượng dinh dưỡng cao, bổ sung nhiều vitamin C, A, E và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt rất tốt cho hệ tiêu hóa của con người.

Những năm gần đây, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục xuống giống khoai lang, trong đó chủ yếu là khoai lang tím Nhật. Tuy đa số nông dân nhận thức được rằng sâu bệnh tăng do trồng liên tục một loại cây trồng, nhưng họ vẫn canh tách cây khoai lang mà không luân canh cây màu khác, không theo lịch thời vụ và không cho đất có thời gian nghỉ bởi khoai cho năng suất cao, giá bán tương đối ổn định.

Trong canh tác sản xuất khoai lang, bên cạnh những yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận như giá bán, chi phí đầu tư, công lao động,… thì năng suất là yếu tố quan trọng quyết định thu nhập của nông dân. Để góp phần tăng năng suất khoai lang, người trồng khoai lang phải chăm sóc, tưới tiêu, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… Và một yêu cầu kỹ thuật rất quan trọng ngay từ khi bắt đầu xuống giống mà đa số nông dân đã bỏ quên, đó chính là kỹ thuật chọn dây giống.

Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn thì nông dân nên ít nhất 3 năm 1 lần nhân giống khoai lang bằng củ để sản xuất. Và một số tiêu chuẩn cần lưu ý khi chọn dây khoai lang giống là:

1/ Chọn ruộng nhân giống bằng củ là tốt nhất.

2/ Dây giống phải đảm bảo khỏe mạnh, không sâu bệnh, đặc biệt là chưa ra rễ và hoa.

3/ Nhân giống từ ruộng sau khi trồng từ 45 – 75 ngày tuổi.

4/ Chỉ sử dụng dây đoạn 1 và 2 kể từ ngọn để làm dây giống, không nên chọn dây giống đoạn gần gốc.

5/ Độ dài dây giống từ 25 – 30 cm.

6/ Dây giống có từ 6 - 8 mắt.

Ngoài ra, sau khi chọn được dây giống tốt, trước khi trồng nên xử lý dây giống để diệt các mầm bệnh có trên dây giống bằng cách ngâm trong dung dịch nấm Trichoderma 0,5% (tức là pha loãng 0,5 kg nấm Trichoderma trong 100 lít nước, thêm vào chất bám dính và khuấy đều), sau đó đem dây giống ngâm vào dung dịch trong 15 phút, để hom giống nơi mát cho ráo nước trước khi trồng.

Theo http://khuyennongbacgiang.vn/