(Ảnh: Kiểm tra đống ủ)

Đã từ lâu vấn đề xử lý phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp và ô nhiễm môi trường đã trở thành một vấn nạn trong xã hội. ượng chất thải từ lúa chiếm tới 100% chất khô, cứ 1 tấn thóc thì lượng phụ phẩm từ lúa cũng tương đương 1 tấn (khoảng 57 -58 tấn phụ phẩm/ha). Sản xuất 1 tấn ngô thì lượng phụ phẩm là 1,2 tấn thân ngô, 1 ha lạc phát thải 11 tấn thân cây, 1ha sắn phát thải 7 tấn ngọn và lá. Xử lý phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp thành phân bón bằng chế phẩm vi sinh EMUNIV là phương pháp hiệu quả hiện nay.

Bước 1: Thu gom và sơ chế nguyên liệu

- Thu gom nguyên liệu: Thu gom các loại phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp với số lượng 200 tấn gồm các loại như:

+ Phân gia súc, gia cầm: Được thu gom tại các cơ sở chăn nuôi trong và ngoài tỉnh.

+ Vỏ, cuống, ruột hoa quả: Là phụ phẩm của các nhà máy chế biến hoa quả
+ Rơm rạ, thân lá các loại rau mầu: Là phụ phẩm của các Hợp tác xã sản xuất rau mầu.

+ Mày ngô, đậu tương, phân xanh, phụ phẩm của các cơ sở chế biến dược liệu
- Sơ chế nguyên liệu: do nguyên liệu là phụ phẩm trong nông nghiệp có từ nhiều nguồn khác nhau nên cần phải phân loại và xử lý nguyên liệu trước khi ủ để đống ủ đạt hiệu quả cao. Nguyên liệu được phân chia thành dạng:
+ Dạng dễ phân hủy: gốc rau, lá rau sau thu hoạch, vỏ, ruột củ quả, phân chuồng, mày ngô, mày đậu tương, trấu...

+ Dạng khó phân hủy: rơm rạ; cành, cuống quả; thân cây dưa, lạc, ngô ... Đối với nguyên liệu khó phân hủy mà không có máy băm, nghiền thì ủ theo phương pháp chôn lấp. Đào hố ủ, sau đó rải từng lớp 15 – 20cm nguyên liệu và tưới dịch vi sinh vật lên, làm như vậy cho đến khi hết nguyên liệu. Sau đó lấp đất lên và sau 3-6 tháng (tùy loại nguyên liệu) lấy phân ra sử dụng.

            Bước 2: Chuẩn bị các loại vật tư, dụng cụ

- Chế phẩm vi sinh EMUNIV do Công ty Cổ phần Vi sinh ứng dụng sản xuất: 0,4 kg/tấn nguyên liệu x 200 tấn = 80 kg.

- Rỉ đường 400 kg dùng để nhân sinh khối vi sinh vật thứ cấp trước khi phối trộn vào các loại phụ phẩm nông nghiệp.

- Thùng nhựa 220 lít dùng để nhân sinh khối vi sinh vật thứ cấp.

- Nilon che phủ đồng ủ đảm bảo giữ ẩm và nhiệt cho đống ủ.

            Bước 3: Nhân sinh khối vi sinh vật thứ cấp

- Hòa 2 kg rỉ đường vào 20 lít nước sạch, khoắng cho tan rỉ đường; bổ sung 2 gói bột EMUNIV và đảo đều.

- Đậy nắp kín, để ủ dung dịch trên nơi râm mát trong thời gian 48 giờ

Lưu ý : tỉ lệ nhân sinh khối thứ cấp trên là sử dụng cho 1 tấn nguyên liệu.Với lượng nguyên liệu nhiều hơn, nhân sinh khối thứ cấp giữ đúng tỉ lệ vi sinh: rỉ đường: nước như trên.

(Ảnh: Phân bón hữu cơ)

           Bước 4: Ủ các loại phụ phẩm nông nghiệp với chế phẩm vi sinh EMUNIV
- Đối với các nguyên liệu dễ phân hủy:

+ Tạo đống ủ có chiều rộng 1 – 1,2m, chiều cao 1 – 1,2m, chiều dài không hạn chế tùy vào địa hình. Với kích thước như vậy đống ủ sẽ không bị nén quá chặt, thoáng khí thuận lợi cho các vi sinh vật hoạt động và dễ dàng đảo trộn.

+ Rải nguyên liệu thành từng lớp 25 – 30cm, dùng bình ozoa tưới dịch vi sinh vật thứ cấp lên trên, sau đó lại rải lớp nguyên liệu dày 25 – 30 cm và lại tưới dịch vi sinh vật thứ cấp lên trên, cứ làm lần lượt từng lớp đến khi hết nguyên liệu.

+ Khống chế độ ẩm 50 -55%. Nếu không có ẩm kế có thể kiểm tra độ ẩm bằng cách bóp chặt nguyên liệu thấy rịn nước ra kẽ tay là được.
+ Dùng nilon che đậy toàn bộ đống ủ (che kín cả mặt trên và xung quanh) nhằm mục đích giữ nhiệt, giữ ẩm cho đống ủ. Đảm bảo duy trì nhiệt độ đống ủ ở mức 55oC - 60oC trong giai đoạn 5 – 10 ngày sau khi ủ.

+ Sau 10 - 15 ngày kiểm tra và đảo trộn đống ủ nhằm mục đích làm cho nguyện liệu vụn thêm do tác động cơ học, đảm bảo sự đồng đều giữa bên trong và bên ngoài đống ủ. Đảm bảo độ ẩm cũng như nhiệt độ của đống ủ luôn trong mức tối ưu, tạo điều kiện cho quá trình phân hủy nguyên liệu diễn ra nhanh chóng và triệt để. Trong quá trình đảo đống ủ cần kiểm tra độ ẩm, nếu khô phải tưới bổ sung thêm nước để đảm bảo độ ẩm 50-55%.

+ Tiếp tục ủ thêm 45- 50 ngày nguyên liệu phân hủy thành phân bón hữu cơ cải tạo đất.

Trên đây là các bước tiến hành xử lý phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp thành phân bón hữu cơ. Chúc bà con thành công./.

BBT