Ngày 16/6, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 19-NQ-TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (gọi tắt là Nghị quyết số 19). Báo Bắc Giang phỏng vấn ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT về những điểm mới cũng như những giải pháp đột phá của ngành trong thực hiện nghị quyết này.

Xin ông cho biết, những điểm mới và mục tiêu trọng tâm Nghị quyết số 19 đề ra?

Ông Dương Thanh Tùng: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là Nghị quyết số 26) đã thu được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, bối cảnh tình hình trong nước, thế giới có nhiều thay đổi đã đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng trong phát triển "tam nông", nhất là hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đây chính là tiền đề để Nghị quyết số 19 ra đời.


Ông Dương Thanh Tùng (ngoài cùng bên phải) thăm mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây cảnh tại Hợp tác xã Hoa và Rau sạch xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang).

Nghị quyết số 19 nêu rõ quan điểm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là: "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh". Nghị quyết đã khẳng định nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế và đề cao vai trò chủ thể của nông dân, cư dân nông thôn, coi nông dân là chủ thể của quá trình phát triển. Đồng thời, đưa ra một số quan điểm mới trong phát triển nông nghiệp như: Tích hợp đa giá trị, phát triển mô hình nông nghiệp tiên tiến, nông nghiệp xanh, hữu cơ tuần hoàn... 

Về nhiệm vụ, giải pháp, ưu tiên giải pháp liên quan đến nông dân và dân cư nông thôn, trong đó bổ sung và đưa nhiệm vụ, giải pháp nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn lên hàng đầu; bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến khoa học và công nghệ, coi đây là một nhiệm vụ giải pháp quan trọng để đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một số ít thị trường.

Về các mục tiêu tổng quát, phấn đấu đến năm 2030 nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển. 

Trong đó xác định, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm; hơn 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, hơn 70% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (trong đó 35% đạt chuẩn NTM nâng cao). 

Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5-3 lần so với năm 2020.

Cùng với cả nước, nông nghiệp của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu song vẫn còn “điểm nghẽn”. Ông đánh giá thế nào về nội dung này?

Ông Dương Thanh Tùng: 15 năm qua, triển khai Nghị quyết số 26 về “tam nông”, với sự tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Bắc Giang đã có sự đổi thay, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên cả 3 trụ cột.

Cụ thể, nông nghiệp tỉnh nhà trở thành điểm sáng, nổi bật, đứng trong tốp đầu cả nước với nhiều sản phẩm đứng đầu toàn quốc. Nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, thu nhập của nông dân ngày càng cao. 

Mặc dù vậy, sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, kinh tế hộ là chủ yếu, liên kết trong sản xuất lỏng lẻo; tăng trưởng có xu hướng chậm lại, không ổn định; năng suất lao động chưa cao, chi phí đầu vào sản xuất cao, hiệu quả thấp, khó cạnh tranh trên thị trường. 

Việc thực hiện các tiêu chuẩn công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản nông sản chưa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là các thị trường khó tính; phần lớn nông sản tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng sơ chế thô nên giá trị gia tăng thấp; chưa hình thành nhiều chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Từ những thuận lợi, khó khăn, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp nào để đưa “tam nông” lên tầm phát triển mới, thưa ông?

Ông Dương Thanh Tùng: Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, thời gian tới ngành tham mưu tập trung vào nhóm giải pháp mà Nghị quyết đã đề ra, đặc biệt về nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. 


Người dân thôn Áp, xã Tân Quang (Lục Ngạn) thu hoạch bưởi.

Có thể thấy, một trong những yếu tố giúp Bắc Giang thuận lợi khi thực hiện Nghị quyết 19 trên địa bàn là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và Chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035  đã xác định phát triển nông nghiệp là nền tảng bảo đảm cho phát triển KT-XH và phấn đấu đến năm 2030 Bắc Giang là trọng điểm nông nghiệp quốc gia, đứng đầu miền Bắc. Điều này cho thấy tỉnh luôn coi “tam nông” có vị trí quan trọng trong phát triển KT-XH.

Trên cơ sở nắm rõ thực trạng về "tam nông" của tỉnh, nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra, trước mắt, ngành tăng cường đào tạo, tập huấn kiến thức mới, cung cấp thông tin để người dân có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu mới; có chính sách hỗ trợ để nông dân và dân cư nông thôn thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập. 

Cùng đó tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng thúc đẩy liên kết hợp tác, chủ yếu thông qua hợp tác xã để nông dân có thể cùng nhau phát triển. Tạo điều kiện giúp lao động nông thôn có thể tìm kiếm việc làm ổn định tại nơi mình sinh sống; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp nông thôn, phát triển làng nghề, sản phẩm địa phương.

Hiện Sở Nông nghiệp và PTNT đang tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chương trình hành động để cụ thể hoá Nghị quyết và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trên địa bàn tỉnh. Cùng đó trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động; tham mưu bộ cơ chế chính sách hỗ trợ cũng như tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Hoàn thiện đồng bộ các chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Theo http://khuyennongbacgiang.vn/