Nằm bên dòng sông Lục, thôn Thủ Dương, xã Nam Dương (Lục Ngạn) gắn liền với nền văn hóa lúa nước nên bao đời nay người dân nơi đây đã biết trân quý những hạt “ngọc trời”. Cùng với truyền thống cần cù, sáng tạo, họ đã viết lên câu chuyện cổ tích từ hạt gạo bằng sản phẩm đã được vinh danh thương hiệu: Mỳ Chũ.
Nghề chẳng phụ
 
Về thăm làng nghề Thủ Dương vào một ngày đầu tháng Sáu nắng như đổ lửa. Đi giữa những phên bánh tráng nổ tí tách khi gặp nắng, cảm nhận hơi nóng của đất trời lẫn mùi thơm của gạo càng thấy rõ hơn sự mặn mòi của những giọt mồ hôi, sự nâng niu, cẩn trọng của người làm nghề gửi cả vào từng hạt gạo để cho ra những sợi mỳ dẻo dai, trắng ngà. Chẳng ai nhớ chính xác nghề làm mỳ ở Thủ Dương có từ bao giờ, nhưng giờ đây ai cũng biết mỳ Chũ đã thay đổi cuộc sống, mang tới sự ấm no cho hầu hết những gia đình ở nơi này.
 
Để có được thành công như hôm nay, nghề làm mỳ ở Thủ Dương trải qua biết bao thăng trầm, công phu và trải nghiệm. Có mấy đời “cha truyền con nối” gắn bó với nghề làm mỳ, ông Nguyễn Văn Vũ, năm nay 77 tuổi, được công nhận là thợ giỏi từ năm 2010, kể: Trước kia, nghề làm mỳ ở đây được coi là nghề phụ, bà con làng nghề chủ yếu sản xuất theo phương thức thủ công, nhỏ lẻ. Để làm ra 30- 40kg mỳ/ngày phải cần đến 3, 4 lao động làm việc cật lực và tiêu thụ chẳng là bao. Còn nay, làm mỳ mang đến thu nhập chính. Vì thế, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng máy móc vào một số công đoạn nên 3, 4 người có thể làm ra cả trăm kg mỳ thành phẩm mỗi ngày.
 
Mỳ Chũ (Lục Ngạn) đã được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể từ năm 2010. Trong nhiều năm, mỳ Chũ đều được bình chọn là sản phẩm công nghiệp - nông thôn tiêu biểu các cấp; được tặng giấy khen, bằng khen, giải thưởng của các Hiệp hội, tỉnh, khu vực và quốc gia.
 
Tuy nhiên, để làm ra những sợi mỳ đậm đà hương vị, dù máy móc hiện đại ra sao, theo ông Vũ, người thợ vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc bất di bất dịch ở từng khâu. Ví như chọn sao cho được gạo ngon, ngâm gạo bao lâu thì vừa, tráng bánh sao cho đủ độ… Ngay cả việc cuộn các bó mỳ tròn đều, chắc, đẹp như búi tóc của người thiếu nữ cũng là một nghệ thuật không phải ai cũng thực hiện được. Vì thế, nghề làm mỳ lấy đi nhiều mồ hôi, công sức của người thợ. Vất vả, nhưng bù lại nghề chẳng phụ người. Theo thống kê của lãnh đạo xã Nam Dương, thôn Thủ Dương có 350 hộ thì có đến gần 300 hộ chuyên làm mỳ. Thu nhập bình quân từ mỳ hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều gia đình thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm từ mỳ.
 
Vươn ra “biển lớn”
 
Có thể nói, nghề làm mỳ ở Thủ Dương dù đã xuất hiện từ rất lâu nhưng thật sự hưng thịnh và mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân chỉ khoảng mươi năm trở lại đây khi có sự chuyên tâm tìm kiếm đầu ra, tăng cường quảng bá cho sản phẩm. Là người gắn bó với nghề, anh Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch Hội sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ Lục Ngạn, cũng là trưởng thôn Thủ Dương chia sẻ: Năm 2007 đánh dấu bước phát triển đầu tiên của làng nghề Thủ Dương khi HTX sản xuất và tiêu thụ mỳ gạo Thủ Dương được thành lập. Tiếp đó, năm 2010, Hội sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ Lục Ngạn ra đời với hàng trăm hội viên, đóng góp tích cực vào việc sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm mỳ Chũ.
Tuy nhiên, ở góc độ thương mại hóa, theo anh Nam, những người dân quê như anh không thể cõng trên vai quá nhiều “sứ mệnh”- vừa sản xuất vừa xúc tiến thương mại để bán hàng. Qua câu chuyện với nhiều người làm nghề ở Thủ Dương được biết, trước đây, khi nghề làm mỳ còn chưa phát triển như bây giờ, họ đã đi nhiều nơi để quảng bá sản phẩm. Thậm chí có những lần sẵn sàng “xắn tay” đứng bếp ở nhiều nhà hàng lớn những mong giới thiệu sản phẩm mỳ Chũ đến với mọi người. Thế nhưng để “đi xa” được như mong muốn, thương hiệu mỳ Chũ không thể thiếu sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và ngành chức năng.
 
Mấy năm gần đây, nhờ được tạo điều kiện tham gia các hội chợ thương mại; có chương trình quảng bá sản phẩm một cách chuyên nghiệp, người làm mỳ Thủ Dương đã có những phiên giao dịch với nhiều doanh nghiệp, bắt đầu ký kết những hợp đồng tiêu thụ mỳ từ Bắc vào Nam rồi tiến tới “xuất ngoại”. 
 
Ví như tháng 6-2011, sản phẩm của HTX Mỳ Chũ Xuân Trường đã “bén duyên” nhà máy mỳ Hapro, mở đường cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến bao tiêu sản phẩm. Trước đó, tại Hội chợ hàng nông nghiệp Việt Nam năm 2010, Hội sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ “bắt tay” với Công ty TNHH Thương mại Hải Dương Xanh, mỗi năm đưa hàng chục tấn mỳ đi thị trường các nước EU và châu Á. Bình quân mỗi năm, làng nghề sản xuất và tiêu thụ gần 15 nghìn tấn mỳ gạo; doanh thu tiêu thụ ước đạt 400 tỷ đồng.
 
Nâng tầm chất lượng
 
Dẫu nức tiếng gần xa là vậy nhưng có lúc, sợi mỳ Chũ cũng phải gánh chịu nhiều điều tiếng thị phi. Có một thời gian, người ta đánh đồng mỳ Chũ với các sản phẩm mỳ nơi khác mà cho rằng người làm mỳ dùng chất tẩy trắng; hay sử dụng chất phụ gia, bảo quản… Chính vì thế, người làm mỳ ở Thủ Dương hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của việc bảo đảm chất lượng và giữ hương vị đặc trưng của sản phẩm làng nghề. 
Xuất phát từ điều này, Hội sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ Lục Ngạn, các HTX làm mỳ ở Thủ Dương đều tự bảo nhau tăng cường trao đổi kinh nghiệm, nâng tầm sản phẩm để khẳng định thương hiệu. Chẳng hạn, ban quản trị các HTX chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát các hộ xã viên, giám sát từ khâu nguyên liệu đầu vào lẫn đầu ra. Ở Hội sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ Lục Ngạn, tất cả hội viên đều ký cam kết bảo đảm về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm… Mỗi hội viên theo đầu hộ đều có một mã số in trên túi mỳ thành phẩm nên trách nhiệm của từng hộ về chất lượng sản phẩm được nâng cao.
 
Nghề làm mỳ đã mang đến cuộc sống dư dả cho người dân Thủ Dương. Bản thân mỗi người làm mỳ cũng đã có ý thức cao trong việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, giữ thương hiệu mỳ Chũ. Tuy nhiên, đối với tình trạng nhiều cơ sở vi phạm bản quyền, nhái thương hiệu mỳ Chũ; rồi việc biến con đường nhỏ, gập ghềnh ở Thủ Dương thành con đường to đẹp thuận lợi cho thông thương; nghiên cứu ra sản phẩm máy sấy mỳ, không còn phải phụ thuộc vào thời tiết như hiện nay… cần lắm sự hỗ trợ nhiều hơn của các cấp, ngành. Bằng không, chỉ người dân Thủ Dương e rằng khó lòng thực hiện.
 
                                                                                                                                                                                         Hồng Minh (Theo báo BGĐT)