Sản lượng tăng, cung vượt cầu làm giá bán một số loại nông sản trong tỉnh Bắc Giang "rẻ như cho", tiêu thụ chậm. Điều này khiến không ít hộ sản xuất thua lỗ nặng.
Giá bán lợn hơi siêu nạc chỉ còn khoảng 32 nghìn đồng/kg.
Giá bán dưới giá thành
 
Nhận định vào dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng mạnh nên vài tháng trước, nhiều hộ đồng loạt vào đàn. Vậy nhưng, chỉ trong thời gian ngắn, giá lợn hơi giảm nhanh. Hộ ông Ngô Xuân Lương, thôn Tân Châu, xã Ngọc Châu (Tân Yên) năm nay "mất" Tết vì nuôi lợn. Vừa bán 300 con lợn thịt, ông lỗ 240 triệu đồng. Ông Lương cho biết: “Lợn hơi siêu nạc chỉ có giá 32 nghìn đồng/kg, tính ra bình quân lỗ khoảng 800 nghìn đồng/con. Trong trang trại của tôi còn khoảng 200 con nữa, nếu mức giá này kéo dài thì mức thiệt hại sẽ rất lớn”. Cùng cảnh ngộ, hơn 55 trang trại của HTX Chăn nuôi lợn sạch Tân Yên cũng khốn đốn. 
 
Anh Hoàng Văn Bay, thôn Hậu, xã Liên Chung nói: “Nhà tôi nuôi 50 lợn nái để chủ động nguồn giống đầu vào, kiểm soát dịch bệnh song khi nuôi lợn thương phẩm, thu vẫn không đủ bù chi”. Tại những hộ nuôi nhỏ lẻ thì giá bán lợn hơi còn thấp hơn. Hộ ông Bùi Văn Quyền, thôn 3, xã Hương Lạc (Lạng Giang) bán 50 con (1 tạ/con) với giá bình quân 27 nghìn đồng/kg, tính ra lỗ hơn 1 triệu đồng/con. Theo ông Quyền, giá lợn xuống thấp song muốn bán cũng không dễ. Trước đây, lợn chưa đến lứa đã có thương lái đến đặt hàng nhưng nay gọi mãi chẳng có người mua. 
 
Chăn nuôi sa sút, các hộ trồng rau, quả cũng không khá hơn. Ở xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa), dịp này, rau cần bán tại ruộng gần 2 nghìn đồng/kg, tiêu thụ chậm. Ông Trần Kim Lệ, Phó Chủ tịch UBND xã lý giải: “Năm nay, các loại rau khác đều nhiều nên rau cần bị cạnh tranh, vì vậy giá rẻ. Nhiều ruộng không bán được do quá lứa, nông dân phải phá bỏ rau sau mấy tháng chăm sóc”. Tại vùng trồng rau chuyên canh xã Thái Đào, Tiên Lục (Lạng Giang), Cảnh Thụy (Yên Dũng), Chu Điện (Lục Nam), su hào chỉ còn 1-1,5 nghìn đồng/củ, giảm một nửa so với cách đây nửa tháng. Bà Hoàng Thị Lương, thôn Ghép, xã Thái Đào nhẩm tính, rau bắp cải sau trồng khoảng 3 tháng cho thu hoạch. Chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (chưa kể công chăm sóc) hết hơn 2 triệu đồng/sào, vậy mà khi thu hoạch chỉ bán được khoảng 2 triệu đồng.
 
Sản xuất cần gắn với tiêu thụ
 
Theo cơ quan chuyên môn, sở dĩ giá lợn hơi thấp là do nông dân tăng đàn mạnh trong khi phía Trung Quốc (thị trường tiêu thụ chính) hạn chế nhập dẫn đến dư thừa sản phẩm. Giá thức ăn chăn nuôi và các vật tư đầu vào khác gồm thuốc thú y, tiền điện, giá nhân công... lại tăng. Đây là yếu tố chính đẩy giá thành sản phẩm chăn nuôi lên cao khiến người chăn nuôi lỗ vốn. Rau xanh rẻ là do thời tiết ấm, rau sinh trưởng, phát triển tốt. Nhiều hộ đồng loạt thu hoạch rau giải phóng đất gieo cấy lúa xuân dẫn tới nguồn cung tăng đột biến.
 
Dự báo giá lợn hơi ở mức thấp như hiện nay khả năng còn kéo dài. Rau xanh có thể tăng hơn hiện tại vào dịp giáp Tết Nguyên đán nhưng mức tăng không đáng kể. Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, với điều kiện hiện tại, ngành đã khuyến cáo nông dân hạn chế vào đàn mới; chăm sóc tốt vật nuôi bằng cách tự phối trộn thức ăn chăn nuôi, tận dụng phế phụ phẩm sẵn có tại gia đình; chú trọng phòng bệnh. Ngành chỉ đạo đơn vị chuyên môn kiểm soát chặt chẽ vật tư chăn nuôi, bảo đảm cung ứng đến nông dân sản phẩm chất lượng.  
 
Thực tế cho thấy, đa phần nông sản của tỉnh khi sản xuất đều chưa gắn kết với tiêu thụ theo hợp đồng. Do vậy, giá cả luôn biến động. Để sản xuất phát triển bền vững, ngành nông nghiệp cần chú trọng định hướng cụ thể, thực hiện các giải pháp quyết liệt, kịp thời, tránh tình trạng cung vượt cầu. Nhân rộng mô hình sản xuất theo chuỗi. Trong chăn nuôi nên quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn, bảo đảm nguồn cung tại chỗ; khuyến cáo nông dân áp dụng kỹ thuật trồng rải vụ thu hoạch.
 
Theo BGĐT