Sinh năm 1989 nhưng Tằng Thị Sinh (thôn Khe O, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) đã có đến 8 đứa con. Việc sinh đẻ vô tội vạ là một trong nhiều lý do khiến các hộ dân ở bản đặc biệt khó khăn này bao năm nay vẫn không thoát được cảnh đói, nghèo.
Nỗi buồn Khe O
 
Đồng bào dân tộc Dao ở huyện Bình Liêu sinh sống chủ yếu ở các bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, cuộc sống của bà con chủ yếu là tự cung tự cấp. Với quan niệm, học không giúp cho “cái bụng no được” nên trước đây, người Dao ít được đi học, việc tiếp cận các kiến thức khoa học càng khó khăn hơn. Nếu gia đình có người ốm thì thay vì đưa người ốm đi viện điều trị, các hộ gia đình người Dao sẽ để ở nhà, nhờ thầy mo đến cúng. Trẻ em sinh ra không được chăm sóc và không được đến trường học chữ.
 
Các hủ tục lạc hậu như kết hôn cận huyết, tảo hôn, ép gả cưới… thường xuyên xảy ra. Đặc biệt là tình trạng uống rượu triền miên trong đồng bào Dao dẫn đến sức khỏe suy yếu, không có sức lao động.
Điển hình là thôn Khe O có 36 hộ dân với 217 nhân khẩu, trong đó có đến 23 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo.
 
Anh Choỏng Quay Sinh – Bí thư, Trưởng thôn Khe O cho biết, nguyên nhân của việc đói nghèo là do người dân quen trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của nhà nước, không cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Ốm đau bệnh tật không đưa đi chữa trị mà chỉ mời thầy mo đến cúng, nhà có bao nhiêu lợn, gà đều thịt hết, do đó, cuộc sống của người dân đã nghèo lại càng nghèo thêm.
 
Trong căn nhà đất lụp xụp của chị Tằng Thị Sinh (người phụ nữ vừa tròn 30 tuổi nhưng đã có tới 8 đứa con) không có bóng người lớn, chỉ có lũ trẻ nheo nhóc đùa nghịch, hoặc đang mò nồi cháo ngô đặt trên chiếc bàn gỗ cũ kỹ. Anh Choỏng Quay Sinh cho biết, bố mẹ của những đứa trẻ đi rừng mót lâm sản phụ, tuy là hộ nghèo nhưng từ chục năm nay, vợ chồng Tằng Thị Sinh năm nào cũng đẻ 1 đứa, đến nay đã có 8 đứa con. Đứa bé nhất mới được 7 tháng tuổi nhưng đã phải ở nhà với các anh chị để bố mẹ đi rừng kiếm miếng ăn.
 
“Huyện cũng đã nhiều lần tổ chức xuống tận nhà tuyên truyền sinh đẻ kế hoạch, nhưng vợ chồng Sinh như là không để ý đến. Nên mỗi năm cứ đẻ thêm một đứa lại thấy nghèo hơn”, Trưởng thôn than thở.
 
Ngoài việc sinh đẻ không có kế hoạch, một nguyên nhân nữa khiến người dân thôn Khe O bao năm nay không thoát được cảnh đói nghèo, đó là thiếu đất sản xuất. Theo anh Choỏng Quay Sinh, trong số 36 hộ thì chỉ có 20 hộ được giao đất rừng, mỗi hộ chỉ được 1 đến 1,5ha, còn lại các hộ khác không có đất sản xuất hầu hết đều rơi vào cảnh nghèo, đói.
 
Anh Phùn Mằn Quay, một hộ nghèo tại thôn Khe O, cho biết: “Gia đình chỉ mong ước có khoảnh rừng để trồng quế mà bao năm nay không được. Quế năm nay được giá, thấy người ta thu hoạch mang bán tới tấp, mình thì ngồi chơi cũng thấy buồn”.
 
Choỏng Quay Si, một hộ nghèo khác trong thôn, thì than vãn: “Mấy năm trước nghe huyện vận động trồng cây dong riềng làm nguyên liệu bán cho nhà máy sản xuất miến, nhiều hộ dân thôn Khe O bỏ cả lúa để trồng dong riềng. Nhưng 2 năm nay củ dong trồng mang đến tận nơi cũng không ai mua, tiền bán dong của mấy vụ trước vẫn bị nợ. Mấy ruộng dong riềng trồng từ năm ngoái nhà tôi vẫn để đấy, củ già lắm rồi mà chán có thu hoạch đâu”.
 
Về đích sớm chương trình 135: Không dễ
 
Ngoài Khe O, nhiều thôn, bản khác thuộc huyện Bình Liêu cái nghèo còn đeo bám dai dẳng. Nhiều thanh niên đang độ tuổi lao động thay vì lên rừng, lên nương canh tác thì lại ngồi uống rượu, trò chuyện là hình ảnh quen thuộc ở đây. Đáng nói hơn, hầu hết gia đình những thanh niên này đều thuộc diện hộ nghèo lâu năm.
Khi được hỏi tại sao không lao động để thoát nghèo, anh Tằng Vĩnh Phúc (40 tuổi, dân tộc Dao, ở thôn Mạ Chạt, xã Vô Ngại), chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi cũng đã đầu tư chăn nuôi gà, lợn, với mong muốn tạo nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống bớt vất vả. Tuy nhiên, các mô hình này đều không phát huy hiệu quả kinh tế vì lý do tiêu thụ không ổn định, con giống thường bị dịch ốm, chết. Nhà có 6 miệng ăn (4 đứa con đang tuổi ăn học), trong khi nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng và 2ha rừng, nhưng trồng keo phải mất 4-5 năm mới cho thu hoạch, thời gian rỗi cũng chẳng có gì để làm nên chỉ biết gọi mấy anh em trong thôn tới uống rượu".
Đối với một số dự án phát triển sản xuất như: Mô hình trồng ba kích tại Đồng Sơn (Hoành Bồ), Thanh Lâm (Ba Chẽ); trồng dong riềng (Bình Liêu); hỗ trợ chăn nuôi lợn, gà, trâu (Hoành Bồ, Ba Chẽ, Bình Liêu), không tái đàn mở rộng sản xuất được; cung vượt cầu, không tiêu thụ được, dẫn tới hiệu quả kinh tế thấp, việc thu hút cộng đồng, người dân tham gia vào các dự án tiếp theo bị hạn chế.
 
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2017-2018, tỉnh mới hỗ trợ 6.486/15.152 lượt hộ nghèo, cận nghèo (bằng 42,8% so với đề án phê duyệt) tham gia dự án trồng cây nông, lâm nghiệp, chăn nuôi giống gia súc, gia cầm.
 
Ngoài ra, việc triển khai Chương trình 135 hiện khối lượng công việc dưới xã rất lớn, tuy nhiên, do năng lực cán bộ xã, thôn, bản bị hạn chế, chưa đủ năng lực quản lý đầu tư một công trình xây dựng cơ bản; công tác thanh quyết toán hay lựa chọn các mô hình sản xuất chưa sát thực tế, làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng triển khai các dự án.
 
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vũ Kiên Cường đánh giá, cái khó nhất, ảnh hưởng đến tiến độ đưa 12 xã cuối cùng của tỉnh ra khỏi diện đặc biệt khó khăn vẫn là tư duy và nhận thức của bà con. Nếu như cơ sở hạ tầng yếu kém tỉnh có thể bố trí ngân sách hỗ trợ đầu tư ngay thì tư duy và nhận thức của người dân không ai có thể làm thay được. Một khi tư tưởng người dân chưa thông, tính chủ động trong thoát nghèo vẫn ỷ lại, thì dù nhà nước có hỗ trợ nhiều vốn đến mấy cũng khó có thể triển khai thành công.
 
Theo: danviet.vn