Sau nhiều năm bỏ cây hồng vì giá cả sụt giảm thì bây giờ nông dân Đà Lạt (Lâm Đồng) có cơ hội thu lợi nhuận từ cây này khi sản phẩm hồng sấy gió được thị trường đón nhận.
 
Nhiều hộ quyết định tập trung đầu tư vườn, cải tạo cây trồng để phát triển kinh tế.
Những ngày này, nhiều nông dân ở Đà Lạt hối hả bước vào thu hoạch hồng chín. Trái cây sau khi thu được họ chế biến bằng công nghệ sấy gió Nhật Bản hoặc đóng hộp trái tươi để cung ứng ra thị trường.
 
Theo người dân, hồng tươi đang được thương lái thu mua với giá khoảng 11.000 đồng/kg, hồng sấy khô 250.000 đồng/kg. Với mức giá này, người làm vườn có lãi lớn.
 
Cây hồng ở Đà Lạt chủ yếu được trồng xen trong rẫy cà phê. Khoảng thời gian từ 1995-1999, giá nông sản này cao nên người dân trồng nhiều. Chỉ ít năm sau, giá liên tục sụt giảm và đến khoảng năm 2016 chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg.
 
Thời điểm này, người dân chủ yếu bán trái tươi cho thương lái nên khi giá giảm mạnh, nhiều gia đình đã chặt bỏ cây để chuyển qua trồng giống khác, hoặc chỉ để lại một số ít cây lớn để chờ giá tăng.
 
Gần đây, người dân Đà Lạt đã áp dụng công nghệ sấy gió Nhật Bản vào chế biến để tạo thành sản phẩm đặc trưng. Những trái chín sẽ được chọn lựa cẩn thận, rửa sạch sau đó gọt vỏ và treo lên giàn sấy trong nhà kính từ 15-20 ngày.
 
Việc sấy hồng không khó, không cần các chất phụ gia, chất bảo quản nên gia đình nào cũng có thể thực hiện. Theo tính toán của người dân, cứ 6kg trái tươi sẽ cho ra 1kg hồng khô thành phẩm. Sau khi trừ các chi phí, mỗi kg hồng sấy cho thu lãi ròng khoảng 150.000 đồng.
Bà Trần Thị Thu, người dân vùng Cầu Đất (Đà Lạt) cho biết, từ đầu mùa đến nay, bà sấy khoảng 1 tấn hồng tươi và thành phẩm được các mối hàng ở Đà Lạt, Hà Nội, TP.HCM tiêu thụ hết. Hiện nay, bà tiếp tục nhập thêm nguyên liệu từ những hộ trong vùng để mang về chế biến, đảm bảo hàng cho khách.
 
Bà Thu thổ lộ: “Ngày trước gia đình tôi trồng 100 cây, xen trong 2ha cà phê. Vì giá xuống thấp nên đã chặt bỏ 80 cây. Giờ chế biến được, bán được giá thì chỉ còn vẻn vẹn 20 cây, nghĩ lại mà tiếc”.
 
Do ảnh hưởng của thị trường nhiều năm trước nên các vườn hồng ở Đà Lạt không được chăm sóc cẩn thận dẫn đến chất lượng cây kém, năng suất thấp.
 
Ông Hoàng Văn Tuân, người dân xã Xuân Thọ (Đà Lạt) cho biết: “Mấy năm rồi, gia đình tôi cứ để mặc cây tự phát triển, chả bón phân, tưới nước gì. Cũng chính vì vậy mà cây ít trái và trái nhỏ. Đợt này giá lên nên sẽ cải tạo lại, chăm sóc kỹ hơn”.
 
Xã Xuân Trường là một trong những địa phương có diện tích hồng lớn của TP Đà Lạt với khoảng 300ha, năng suất 4 tấn/ha. Ông Nguyễn Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường cho biết, nhờ công nghệ sấy gió nên giá trị của cây hồng được nâng lên, giúp người dân làm giàu. Đối với những hộ trồng xen cây này với cà phê, thì sản phẩm hồng sấy gió công nghệ Nhật đang góp phần cứu họ vượt khó trong thời gian cà phê rớt giá.
Theo ông Bình, xã Xuân Trường đang hướng tới xây dựng hồng sấy gió công nghệ Nhật là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Hiện tại, TP Đà Lạt đã hỗ trợ người dân trong việc đăng ký mã truy xuất nguồn gốc, thương hiệu sản phẩm.
 
"Chúng tôi đang đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm để và xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng vận động người dân tập trung sản xuất theo hướng đảm bảo chất lượng để nâng tầm giá trị cho hồng sấy gió”, ông Nguyễn Trọng Bình.
Theo nongnghiep.vn