Phát triển nóng 
 
Theo thông tin từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, những năm gần đây, diện tích và sản lượng cây có múi (cam, quýt, bưởi, chanh) của cả nước tăng khá nhanh. Từ năm 2013 đến nay, diện tích cây cam tăng đáng kể, từ 53.800ha lên đến 90.700ha. Từ năm 2008-2018, diện tích bưởi tăng từ 43.500ha lên 74.200ha và quýt tăng từ 7.400ha lên gần 22.000ha. Năm 2018, tổng diện tích cam, bưởi, quýt cả nước có 206.000ha, xu hướng hiện nay vẫn tiếp tục tăng.
 
Trong số đó, 6 tỉnh Bắc Trung Bộ có khoảng 27.900ha cây có múi, chiếm 11,5%. Tuy diện tích cây có múi không lớn nhưng lại là cây đặc sản của vùng cho giá trị kinh tế cao, mang tính sản xuất hàng hóa. Nhiều sản phẩm nổi tiếng như bưởi Phúc Trạch, cam Bù (Hà Tĩnh), cam Vinh (Nghệ An), bưởi Thanh Trà (Thừa Thiên - Huế), bưởi đỏ Luận Văn (Thanh Hóa)…
 
Để khai thác tiềm năng, lợi thế và phát triển sản phẩm cây ăn quả có múi bền vững, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển cây có múi, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật... Nhờ đó, đã làm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm cây ăn quả có múi của vùng.
 
Ông Lê Văn Đức, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, đánh giá,  cây có múi đang phát triển nóng, cơ cấu sản xuất vụ chưa đồng đều, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật chưa đồng bộ, nhất là tại các vùng cam nên nhiều nơi bị suy thoái, hiệu quả chưa cao. Vì thế, các địa phương cần phát triển vùng cây có múi gắn với thủy lợi để đảm bảo tưới tiêu; phát triển những giống tốt; xây dựng mô hình chuỗi liên kết nông dân, viện nghiên cứu, doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất là nông dân sản xuất được sản phẩm chất lượng, an toàn, để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Thách thức và giải pháp
 
Hiện nay, các tỉnh Bắc Trung Bộ gặp một số khó khăn, thách thức như các vùng sản xuất hàng hóa chưa rõ nét, các hợp tác xã kiểu mới thành lập chưa nhiều, chất lượng giống cây, biến đổi khí hậu… ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế của cây có múi.
Theo đánh giá chung, khó khăn nhất lúc này bắt nguồn từ thực trạng sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán (bình quân vườn quả 0,2 - 0,6ha/hộ), kéo theo quy cách, mẫu mã, chất lượng sản phẩm không đồng đều.
 
 
Vấn đề nan giải khác là tư tưởng của nhà nông, số đông hình thành ý thức phát triển cây ăn quả theo phong trào, chủ yếu là tự phát. Điều này dẫn đến tình trạng trồng, phá bỏ liên miên, rất lãng phí, dần dà khiến cho vùng nguyên liệu thiếu sự ổn định cần thiết.
 
Bấy lâu nay chủ yếu cơ cấu giống ngay tại địa phương, nguồn giống này không đảm bảo quy chuẩn, giống chất lượng cao không nhiều, một số đã đến thời kỳ thoái hóa, một số khác lại cho nhiều hạt, đã làm giảm đáng kể sức cạnh tranh, bất luận là sản phẩm ăn tươi hay trong chế biến công nghiệp…
 
Bà Nguyễn Thị Vinh, người trồng cam ở xã Yên Khê (Con Cuông - Nghệ An), cho biết, hiện nay thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều loại sâu bệnh như: ruồi đục quả, rệp sáp… tấn công nên ảnh hưởng đến năng suất cam. Nhà vườn mong muốn các nhà khoa học, ngành chức năng có biện pháp khắc chế sâu bệnh hiệu quả, ít sử dụng chất hóa học, đảm bảo năng suất và chất lượng trái cam.
 
Ông Trương Minh Châu, chuyên gia trồng trọt của Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An, cho rằng, người trồng cam cần tập trung vào chất lượng sản phẩm, sản xuất cam an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
 
Nông dân cần thành lập, tham gia hợp tác xã, nhóm hợp tác để cùng nhau sản xuất theo các tiêu chí nhất định. Có như thế, người tiêu dùng mới yên tâm sử dụng cam và nâng cao giá trị cho quả cam.
 
Định hướng về việc quy hoạch vùng trồng cây có múi Bắc Trung Bộ, ông Hoàng Văn Hồng, Trưởng phòng Khuyến nông trồng trọt và lâm nghiệp (Trung tâm Khuyến nông quốc gia), cho biết,  phát triển sản xuất cây ăn quả nói chung và cây có múi nói riêng là xu thế mà nông dân đang lựa chọn vì nó mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các địa phương Bắc Trung Bộ: phát triển cây có múi phải phù hợp với diện tích quy hoạch của từng tỉnh, từng vùng đặc sản thuận lợi để tránh sự phát triển nóng, ồ ạt.
 
Các địa phương phải tuyên truyền, hướng dẫn nông dân  trước khi trồng, sử dụng giống cây vào sản xuất. Vì trồng cây có múi phải 5 năm sau mới có thu hoạch. Khi đó, nếu nhu cầu tiêu thụ của thị trường không hết, sẽ vướng vào “được mùa, mất giá”.
 
Tại diễn đàn, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đưa ra để phát triển cây có múi ở vùng Bắc Trung Bộ theo hướng bền vững như xây dựng và vận hành chuỗi liên kết sản xuất ở các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; rà soát quy hoạch, tránh phát triển ồ ạt ở những vùng ít thuận lợi; hỗ trợ nông dân chuyển giao kỹ thuật, chính sách tín dụng, phát triển thương hiệu, mở rộng mô hình VietGAP…
 
Theo: kinhtenongthon.vn