Thời gian tiến hành từ tháng 7/2017 - 12/2019. Diện tích thử nghiệm 6ha. Lượng giống đưa vào trồng 3.600 cây Đại táo 15 và VC01.
Vừa qua, Viện Cây lương thực - Cây thực phẩm phối hợp với Sở KH-CN Sơn La tổ chức hội nghị đánh giá mô hình trồng thử nghiệm một số giống táo mới, trên địa bàn các huyện Mai Sơn, Mường La và Sông Mã. Đối chứng (đ/c) là giống táo Đào vàng và táo chua địa phương.
 
Kết quả sau 2 năm đưa vào trồng, tại các điểm trình diễn trên địa bàn, giống Đại táo 15 và VC01 đều cho các chỉ số theo dõi vượt trội so với đối chứng. Cụ thể ở tuổi 2, các giống táo nói trên đã đạt chiều cao cây trung bình 1,7-2,2m, đường kính gốc 4-5cm, đường kính tán 2,5-3m, thời gian cho thu hoạch quả từ 20/1-25/2, năng suất đạt 7-8 tấn quả/ha.
 
Các chỉ số tương ứng trên các giống đối chứng là, chiều cao cây 1,1-1,2m, đường kính gốc 2-3cm, đường kính tán 1,9-2,2m, thời gian cho thu hoạch từ 10-15/11, năng suất trung bình chỉ được 4-5 tấn quả/ha.
 
 Qua đó có thể khẳng định, các giống táo mới thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu địa phương, phát huy được đầy đủ các đặc tính ưu tú của giống, cây sinh trưởng phát triển khoẻ, phân cành khá, chất lượng quả ngon, năng suất quả cao, chống chịu tốt với các điều kiện bất thuận.
 
Tham quan mô hình trồng thử nghiệm giống táo mới tại xã Mường Bú (Mường La) chúng tôi đã ghi nhận: Hộ Nguyễn Thị Huyền trồng 600 cây Đại táo 15 và VC01 (300 cây cho mỗi giống), ngay từ năm trồng đầu tiên (2018) đã cho thu hoạch quân bình 20-30kg quả/cây, năng suất đạt 8,5-9 tấn quả/ha, doanh thu 180-200 triệu đồng, trừ hết chi phí vật tư còn lãi 150-160 triệu đồng/ha.
 
Đặc biệt các giống táo mới này đều cho quả khá to, khối lượng trung bình/quả từ 80-100gram (8-10 quả/kg), khi chín vỏ quả chuyển màu vàng sáng, ăn giòn ngọt mát, cùi dầy, hạt nhỏ, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Dự kiến năm 2019 chị Huyền sẽ thu hoạch được 10-12 quả/ha, doanh thu 300-350 triệu đồng, lãi 220-230 triệu đồng/ha.
 
“Ưu điểm nổi bật của giống Đại táo 15 và CV01 là, quả chín tập trung xung quanh tết Nguyên đán, nên thường bán được giá cao (30-35 nghìn đồng/kg tại vườn). Sang năm 2020 tôi sẽ đốn toàn bộ 2ha táo chua chuyển sang ghép cải tạo bằng các giống táo mới nêu trên”, chị Huyền cho biết.
 
Bị thuyết phục bởi hiệu quả đạt được từ trồng thử nghiệm giống táo mới, ngay từ đầu năm 2019, anh Nguyễn Đình Hướng (cùng xã Mường Bú) đã tiến hành ghép cải tạo lại 3ha táo chua bằng các giống Đại táo 15 và CV01. Theo đó, dịp Tết này, anh Hướng sẽ có khoảng 30 tấn quả Đại táo 15 và CV01 cung ứng ra thị trường, doanh thu đạt ngót 1 tỷ đồng.
Được biết gia đình anh Hướng chuyên canh táo từ năm 1994, diện tích trồng thường xuyên gần 2ha, chủ yếu là giống táo Gia Lộc và H32. Các loại táo này ra hoa nhiều nhưng tỷ lệ đậu quả thấp, quả nhỏ (40-50 quả/kg), chất lượng kém (vừa chua vừa chát), lại cho thu hoạch từ tháng 11, nên rất khó bán, thu nhập chỉ đạt 40-50 triệu đồng/ha.
 
Kết luận hội nghị, ông Phạm Quang An, Giám đốc Sở KHCN Sơn La cho rằng: Thành công trồng thử nghiệm 2 giống táo mới tại địa phương đã mở ra cơ hội xoá đói, giảm nghèo bền vững cho bà con. Đề nghị Viện CLT-CTP tiếp tục hỗ trợ các nhà nông mở rộng mô hình ra nhiều xã khác...
 
Theo: nongnghiep.vn