Những năm qua, việc đưa các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng vào cơ cấu giống nhằm giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng và bước đầu cho thấy những kết quả tích cực.
 
Nhằm phát huy những lợi ích của nền sản xuất hàng hóa, việc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán canh tác, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các giống lúa mới vào gieo cấy thay thế giống lúa thuần địa phương năng suất thấp, hình thành những vùng sản xuất tập trung, đưa cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất, thu hút doanh nghiệp tham gia vào tiêu thụ sản phẩm đã được chính quyền và nhân dân xã Thái Đào, huyện Lạng Giang thực hiện thành công với mô hình cánh đồng mẫu sản xuất giống lúa lai hai dòng LC212 mang lại hiệu quả cao.
 
Lúa lai hai dòng LC212 do Trung tâm Giống Nông lâm nghiệp Lào Cai lai tạo, đã được khảo nghiệm tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Quốc gia và đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống cây trồng mới năm 2012.
 
Về đặc tính giống, lúa lai hai dòng LC212 có nhiều ưu điểm như: Thời gian sinh trưởng ngắn (vụ xuân từ 120 - 125 ngày, vụ mùa từ 100 - 105 ngày); độ thuần đồng ruộng cao, cứng cây, đẻ nhánh khoẻ, tập trung 7 - 8 dảnh/khóm; thân gọn, cứng cây, góc lá đòng hẹp, bông to, tỷ lệ hạt chắc cao; khả năng chống chịu với những điều kiện thời tiết bất thuận, đặc biệt chịu rét tốt; kháng được nhiều loại sâu bệnh (khô vằn, bạc lá, sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy nâu); LC212 cho năng suất cao (trung bình từ 65 - 75 tạ/ha, thâm canh tốt có thể lên đến 100 tạ/ha); chất lượng gạo khá, đặc điểm nông sinh học rất thích hợp cho thâm canh tăng vụ.
 
Giống lúa lai hai dòng LC212 được triển khai khai từ vụ chiêm xuân năm 2014 - 2015 đến vụ mùa năm 2016 tại cánh đồng Tu Hú, Cầu Phẩy -  thôn Then, xã Thái Đào, huyện Lạng Giang bằng nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Quy mô thực hiện 30,5ha với 200 hộ tham gia trong 4 vụ liên tiếp. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 60% giá giống từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới của UBND huyện Lạng Giang, được cán bộ khuyến nông tập huấn quy trình kỹ thuật ngâm ủ giống, kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh riêng cho giống LC212.
 
Qua triển khai gieo cấy 4 vụ sản xuất liên tiếp, hiệu quả rõ nhất trong vụ mùa năm 2016, năng suất lúa thu được trên cánh đồng mẫu trung bình đạt 68 tạ/ha, tăng 14,5% so với giống lúa Khang Dân 18 được trồng phổ biến tại địa phương, với giá bán từ 6.500 - 7.000 đồng/kg thóc khô, đem lại giá trị kinh tế thu được gần 30 triệu đồng/ha.
 
Ông Hà Văn Thiệu,  một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: “Gia đình tôi cấy 1,5 sào giống lúa LC212. So sánh với giống lúa Khang Dân 18, năng suất lúa LC212 cao hơn hẳn, đạt từ 2,3 - 2,4 tạ/sào. Tính trung bình, tôi thu được hơn 1 triệu đồng/sào, tăng 200.000 - 300.000 đồng so với trước kia”.
 
Có thể thấy, việc chuyển đổi gieo cấy sang canh tác giống lúa mới, năng suất cao, chất lượng tốt, thay thế cho những giống lúa kém hiệu quả trước đây tại đại phương, hình thành nên vùng sản xuất lúa tập trung sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào các khâu của quá trình sản xuất, giảm chi phí đầu vào và gia tăng hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương.
 
Thành công từ mô hình cánh đồng mẫu cấy lúa lai hai dòng LC212 của xã Thái Đào bước đầu có ảnh hưởng tích cực đến nhận thức, hành động của người dân địa phương. Cụ thể, trong vụ chiêm xuân năm 2017, người dân xã Thái Đào tiếp tục chủ động sản xuất giống lúa LC212 khi không còn sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc ưu tiên tăng tỷ lệ lúa, gạo chất lượng cao để phù hợp nhu cầu thị trường bằng việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống là một trong những giải pháp đột phá đem lại sự ổn định về kinh tế, xã hội cho khu vực nông thôn của tỉnh./.
 
Trang Trần