Nắng đã lên cao, bầu trời mùa xanh trong và cao vút. Cánh đồng của bà con nhân dân xã Vĩnh Bảo được bao phủ bởi một màu vàng ruộm của lúa chín, những bông lúa trĩu nặng hạt đều tăm tắp, chắc mẩy uốn cong mềm mại, ngả vào nhau, báo hiệu một vụ được mùa đã tới...
Đó là những hình ảnh mà bà con nông dân đại diện các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh,... được tận mắt thấy khi đi thăm ruộng lúa chuẩn bị thu hoạch của các hộ nông dân tại xã Tam Cường, Vĩnh Bảo, Hải Phòng.
 
Đây là một trong những hoạt động được diễn ra trong chương trình  “Giao lưu nông dân - nhà khoa học về phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên” do Báo Khoa học và Phát triển, UBND huyện Vĩnh Bảo và Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội phối hợp tổ chức tại huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng vào ngày hôm qua (11.6.2017).
 
Hiệu ứng cấy lúa đường biên: Đột phá về năng suất
 
Trước khi tham dự chương trình giao lưu, các nhà khoa học cùng các nông dân ở các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng đã có cơ hội được trực tiếp đi tham quan ruộng lúa giống J02 chuẩn bị thu hoạch của các hộ nông dân tại xã Tam Cường.
 
 
 
"Những bông lúa nặng trĩu hạt, tỷ lệ hạt chắc được khuyến cáo của giống lúa này là 90-120 hạt/bông. Tuy nhiên thực tế chúng tôi đếm được từ 145-170 hạt/mỗi bông. Lúa cấy theo hiệu ứng hàng biên cũng đẻ nhánh khỏe hơn hẳn so với diện tích ruộng đối chứng, có khóm tới 42 bông...", ông Triều, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Bảo cho biết.
 
Ông Triều cũng cho biết thêm, đây là lần đầu tiên xã áp dụng phương pháp cấy hàng biên và đã nhận thấy hiệu quả rõ rệt với việc giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong khi năng suất lại cao, dự kiến lên tới 8,5-9 tạ/ha.
 
Cũng tại đây, bà Nguyễn Thị Hòa, một nông dân trồng 5 sào lúa theo phương pháp cấy lúa hàng biên cho biết, "Đây là lần đầu tiên, gia đình tôi trồng lúa theo phương pháp hàng biên, từ tiền giống, phân đến công và thuốc bảo vệ thực vật đều giảm nhưng năng suất lại cao hơn. Đấy, không tin các cô chú cứ nhìn mà xem".
 
Cô Hòa cũng khẳng định, với năng suất thì tăng trong khi chi phí và công sức đầu tư đều giảm, không có lý do gì mà vụ tới gia đình tôi không tiếp tục cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên này cả.
 
 
 
Có mặt trên ruộng sáng qua, ông Nguyễn Trọng Nhưỡng - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo cho biết: “Năm 2014, chúng tôi đưa kỹ thuật cấy hàng biên về huyện, vào thời điểm đó chỉ có 8 hộ nông dân mạnh dạn áp dụng, nhưng nay diện tích cấy lúa hàng biên đã được mở rộng lên đến hơn 1.000 ha mỗi vụ. Điều này cho thấy bà con nông dân phải thấy hiệu quả, thấy có lợi nên mới áp dụng bởi huyện không hỗ trợ về giống hay vật tư mà chỉ mời các chuyên gia cũng như tác giả sáng chế về tư vấn kỹ thuật.”
 
Giảm chi phí giống, thuốc trừ sâu, phân bón, sức lao động... nhưng tăng đến 20% năng suất
 
Điểm đặc thù của phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên là biến mọi khóm lúa trong ruộng đều thành khóm ven bờ, mỗi m2 chỉ cấy 8-16 khóm tùy đặc điểm riêng của giống về chiều cao, dạng hình tán lá, sức đẻ nhánh… thay vì cấy 40-50 khóm theo các phương pháp thông thường. Cứ hai hàng lúa cách nhau 18-25 cm cách nhau một khoảng trống rộng 38-65cm.
 
Phương pháp này được cấp bằng độc quyền sáng chế tháng 9.2015, được trao Giải thưởng Vifotec năm 2015. Tại Hội chợ triển lãm Khoa học và Công nghệ quốc tế được tổ chức ở Hàn Quốc năm 2016, phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên đã được Hàn Quốc trao huy chương đồng và Thái Lan trao huy chương vàng.
 
 
 
Sáng chế của KS Chu Văn Tiệp ngay từ đầu đã được GS-TS Vũ Hoan, TS Nguyễn Văn Biếu giúp đỡ nhân rộng và phổ biến, tập huấn chuyển giao cho nhiều địa phương trên cả nước.
 
Đặc biệt, phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên đã được hàng nghìn hộ nông dân tại 20 địa phương (như Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng…) ứng dụng trên diện tích hàng vạn ha.
 
 
 
"Kết quả cho thấy, nhờ phương pháp cấy giúp tận dụng quy luật hiệu ứng hàng biên tối ưu và quy luật sức tạo bông tối ưu/khóm này, nông dân giảm được ít nhất 1/3 chi phí công lao động, giống, thuốc trừ sâu bệnh, phân bón nhưng tăng được 10-20% năng suất do cây lúa sử dụng ánh sáng cho quang hợp triệt để hơn, bộ rễ phát triển tốt hơn, đẻ khoẻ, ít sâu bệnh, giảm tiêu tốn nước, giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường hệ vi sinh vật đất có ích, khôi phục dần hệ sinh thái môi trường đất ruộng lúa… Chi phí làm ra 1kg thóc giảm 500 -2.000 đồng so với các cách cấy khác, sản phẩm gạo làm ra sạch hơn", GS-TSKH Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương, tác giả của hơn 30 giống lúa tốt - đã áp dụng phương pháp cấy của KS Tiệp cho các giống lúa của mình nói.
 
Phát biểu giữa hội thảo, ông Nguyễn Văn Lý - Chủ nhiệm HTX Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo cũng chia sẻ: "Chúng tôi cho rằng đây là một phương pháp đột phá về khoa học. Trước chúng tôi cấy khoảng 45 khóm/m2, nay chỉ cấy 12 khóm/m2, giúp tiết kiệm rõ rệt về giống, công gieo, công cấy, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật nên không những giảm chi phí mà còn giúp bảo vệ môi trường đất, trong khi sản lượng tăng 15-20%".
 
"Nông dân Cộng Hiền bắt đầu cấy máy với máy cấy của Nhật từ năm 2012, trước khi ứng dụng cấy hàng biên. Sau khi hạch toán, chúng tôi thấy hiệu quả của cấy hàng biên vẫn cao hơn 6-7%, trong khi cấy máy thì phải đầu tư máy móc với số tiền lớn, không tận dụng được công lao động. Máy cấy cũng không vào được các chân ruộng trũng. Hiện, HTX Cộng Hiền áp dụng cấy hàng biên cho tất cả các giống lúa" - ông Lý cho biết.
 
Cấy lúa hiệu ứng đường biên: Khó hay dễ là do thói quen
 
Có mặt tại buổi giao lưu, ông Nguyễn Trọng Thành, đại diện nông dân tỉnh Thái Bình cho biết, vụ xuân năm 2015, xã Phú Lương, huyện Đông Hưng, Thái Bình là nơi đầu tiên áp dụng mô hình cấy lúa hàng biên trên toàn tỉnh với diện tích "khiêm tốn" chỉ 12 thước với giống lúa BC15.
 
Diện tích khiêm tốn như vậy là do ban đầu, bà con nông dân ở đây khi phải thay đổi tư duy cũng như tập tính cấy lúa truyền thống cảm thấy rất khó thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng thử nghiệm, không những nhìn thấy những ưu điểm rõ rệt về sức lao động giảm, giống ít, phân bón  giảm, thuốc trừ sâu giảm,... mà năng suất lại tăng lên rõ ràng và cũng không khó như tưởng tượng lúc đầu. 
 
"Vụ mùa năm 2016, chúng tôi đón 34 đoàn tham quan tới xem, thăm quan và học hỏi mô hình này. Đặc biệt, trong đó có tổ chức FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ) cũng đã tới thăm mô hình cấy lúa SRI theo phương pháp cấy lúa hàng biên của Thái Bình", ông Thành kể thêm.
 
"Lúc mới nghe phổ biến tôi cứ sợ khó, không làm được, hơn nữa lúa giống thì ít, cấy lại thưa sợ phí đất nên không muốn thử trồng. Nhưng, sau vụ đầu tiên đã quen nên tôi cấy rất nhanh và đều. Hai vợ chồng tôi có thể cấy được hết 5 sào này trong vòng một ngày ”, bà Hòa, một nông dân ở xã Cộng Hiền đã cấy lúa theo phương pháp đường biên cho biết.
 
 
 
Sau khi được đi tham qua và nghe chia sẻ về hiệu quả thực tế của phương pháp cấy lúa hàng biên này, ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch HND xã Liên Hòa, Quảng Yên, Quảng Ninh cho biết: "Tôi và những bà con nông dân tới tham dự hội thảo ngày hôm nay về sẽ xin ý kiến lãnh đạo địa phương và tiến hành mời các kỹ sư Tiệp - "cha đẻ" của phương pháp này cũng như TS Nguyễn Văn Biếu,... trong thời gian sớm nhất để bà con xã Liên Hòa có thể thực hiện phương pháp này ngay trên đồng ruộng nhà mình.
 
Không chỉ ông Đông mà còn rất nhiều đại biểu nông dân đến từ các tỉnh như Thái Bình, Quảng Ninh, Hà Nam, Hải Phòng đã mạnh dạn đăng ký thử nghiệm phương pháp cấy này trong vụ tới. "Chi phí giảm, không tốn nhiều công sức, đầu vào ít mà đầu ra năng suất lại cao, không có lí do gì để chúng tôi không thử cả", một nông dân đến từ tỉnh Hà Nam phấn khởi chia sẻ.
 
Nguồn: danviet