Sản xuất chế phẩm bảo vệ thực vật có nguồn gốc thực vật là nhằm giảm thiểu, tiến tới loại bỏ việc sử dụng thuốc trừ sâu có nguồn gốc hóa học, độc hại đối với con người và môi trường sinh thái, đảm bảo chất lượng nông sản hang hóa theo tiêu chuẩn hữu cơ, an toàn và chất lượng.

Chế phẩm tạo ra từ thực vật có cơ chế tác động lên côn trùng gây hại bằng con đường tiếp xúc qua da, xông hơi qua đường hô hấp, vị độc qua miệng, thẩm thấu, nội hấp hay lưu dẫn, ngoài ra còn gây ngán ăn, xua đuổi, ngăn sự lột xác của côn trùng cùng như ngăn cản sự đẻ trứng làm giảm khả năng sinh sản của côn trùng.

            1. Chuẩn bị dụng cụ, nguyên liệu sản xuất

            - Dụng cụ:

            Dụng cụ sản xuất chế phẩm bảo vệ thực vật gồm:

            + Máy xay nguyên liệu: như máy xay giò, công suất lớn hay nhỏ phụ thuộc vào quy mô sản xuất của từng hộ. Sản xuất 100 lít/mẻ nên sử dụng máy xay có công suất mô tơ 1.000kw.

            Trong trường hợp sản xuất quy mô nhỏ có thể không cần mua máy xay nguyên liệu mà dùng cối giã nguyên liệu.

            + Thùng ngâm ủ nguyên liệu: Sử dụng thùng nhựa, có nắp đậy. Thể tích thùng lớn hay nhỏ phụ thuộc vào quy mô sản xuất của từng hộ. Thể tích thúng chứa luôn lớn hơn 20% so với lượng chế phẩm cần sản xuất/mẻ. Cụ thể như sau:

 

Lượng chế phẩm sản xuất/mẻ

Thể tích thùng chứa

10 lít

12 lít

20 lít

24 lít

30 lít

36 lít

50 lít

60 lít

100 lít

120 lít

200 lít

240 lít

300 lít

360 lít

            + Vải lọc: Dùng để lọc bỏ cặn bã trước khi sử dụng để không bị tắc bình bơm khi phun chế phẩm bảo vệ thực vật cho cây trồng.

            - Nguyên liệu sản xuất chế phẩm bảo vệ thực vật:

            + Chế phẩm Emina gốc, rỉ đường, rượu trắng 35o, dấm ăn (dấm gạo), nước sạch, ớt tươi (ớt cay chỉ thiên F1), thuốc lào, quế khô, mật nhân khô, ỏi tươi (giống tỏi ta), gừng tươi, giềng tươi, mù tạt dạng bột.

            2. Các bước sản xuất

            - Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu

            Nguyên liệu và số lượng sản xuất 10 lít chế phẩm bảo vệ thực vật:

 

TT

Nguyên liệu

Đơn vị tính

Số lượng

1

Chế phẩm Emina gốc

Lít

1,2

2

Rỉ đường

Lít

1,2

3

Rượu trắng 35o

Lít

1,2

4

Dấm ăn (dấm gạo)

Lít

1,2

5

Nước sạch

Lít

7,2

5

Ớt cay tươi: Xay nhỏ hoặc giã nát là tốt nhất, nếu không có máy xay có thể cắt ngắn 1 cm.

Kg

1,5

6

Thuốc lào: không bị mốc

Kg

0,3

7

Quế khô: không bị mốc, hỏng

Kg

0,5

8

Mật nhân khô: không bị mốc, hỏng

Kg

0,5

9

Tỏi tươi (giống tỏi ta): không bị thối, hỏng

Kg

1

10

Gừng tươi: không bị thối hỏng, nhiễm bệnh.

Kg

1

11

Giềng tươi: không bị thối hỏng, nhiễm bệnh.

Kg

1

12

Mù tạt: không bị mốc, hỏng.

Kg

0,2

            Sản xuất với số lượng lớn hơn 10 lít/mẻ thì lượng nguyên liệu cũng tăng lên theo tỷ lệ tương ứng.

           

            - Bước 2: Lên men chế phẩm sinh học Emina      

            + Hòa tan 1,2 lít rỉ đường vào 7,2 lít nước trong thùng nhựa có thể tích tối thiểu là 12 lít, cho 1,2 lít chế phẩm Emina gốc vào khoắng đều. Đậy nắp thùng lại và để thùng vào trong nhà (không có ánh nắng trực tiếp và không có mưa) ủ lên men trong thời gian 5 ngày (mùa hè), 7 ngày (mùa đông).

            + Cho 1,2 lít rượu trắng 35o và 1,2 lít dấm ăn vào khoắng đều.

            + Cho hỗn hợp gừng, giềng, tỏi, ớt, thuốc lào, quế, mật nhân, mù tạt... đã xay nhỏ vào ngâm trong thời gian 20 – 30 ngày.

            - Bước 3: Lọc chế phẩm bảo vệ thực vật

            Sau khi ngâm ủ chế phẩm bảo vệ thực vật trong thùng nhựa được 20 – 30 ngày, tiến hành lọc lấy dung dịch chế phẩm bảo vệ thực vật cho vào các chai, can nhựa để dùng dần.

             - Bước 4: Ngâm ủ đợt 2

            + Cho toàn bộ lượng bã sau khi đã lọc lấy chế phẩm bảo vệ thực vật vào thùng nhựa (thùng 12 lít đã ngâm ủ trước đó), cho 5 lít chế phẩm Emina (đã ủ lên men hay còn gọi là Emina thứ cấp) vào thùng sau đó đập lắp thùng lại.

            + Để thùng vào trong nhà (không có ánh nắng trực tiếp và không có mưa) trong thời gian 20 – 30 ngày.

                        - Bước 5: Lọc chế phẩm bảo vệ thực vật

            + Sau khi ngâm ủ chế phẩm bảo vệ thực vật đợt 2 trong thùng nhựa được 20 – 30 ngày, tiến hành lọc lấy dung dịch chế phẩm bảo vệ thực vật cho vào các chai, can nhựa để dùng dần.

            + Hỗn hợp gồm gừng, giềng, tỏi, ớt, thuốc lào, quế, mật nhân, mù tạt... sau khi đã ngâm ủ 2 đợt sẽ được dung làm phân bón cho cây trồng.

            3. Phương pháp bảo quản chế phẩm bảo vệ thực vật thảo mộc

            - Chế phẩm bảo vệ thực vật luôn được đựng trong các chai, can bằng nhựa. Không nên đựng trong các dụng cụ bằng kim loại hoặc thủy tinh có mầu trắng.

            - Bảo quản trong điều kiện râm mát, tránh ánh nắng trực tiếp, xa các nguồn nhiệt, không để trong tủ lạnh.

            - Thời gian bảo quản được 6 tháng.

            - Nên sử dụng phun cho cây trồng vào sáng sớm hoặc chiều mát.

            4. Lưu ý khi sản xuất chế phẩm bảo vệ thực vật thảo mộc

            - Chọn nguyên liệu thảo mộc không nhiễm bệnh, thối, mốc. Khi lưu trữ các thảo mộc để sản xuất chế phẩm bảo vệ thực vật phải đảm bảo đã được phơi khô và lưu trữ trong thùng thoáng mát, cách xa ánh sáng mặt trời trực tiếp và độ ẩm, không bị nhiễm nấm mốc trước khi đem ra sử dụng.

            - Sử dụng đồ dùng cho việc xay, giã và chiết xuất: Không sử dụng để chuẩn bị, chế biến thức ăn, đựng đồ uống và nấu ăn hay thùng chứa nước.

            - Vệ sinh làm sạch tất cả các đồ dùng sau mỗi lần sử dụng. Không để tay, bộ phận cơ thể, mắt tiếp xúc trực tiếp với các thảo dược trong quá trình sản xuất và phun xịt.

            - Đặt chế phẩm bảo vệ thực vật thảo mộc xa khỏi tầm trẻ em, vật nuôi trong nhà khi ngâm ủ, bảo quản.

            - Luôn kiểm tra dung dịch chế phẩm bảo vệ thực vật trên một ít cây bị nhiễm sâu bệnh trước khi phun trên quy mô lớn.

            - Thêm xà phòng để tạo chất chuyển thể dung dịch sang dạng sữa để tăng độ bám dính khi phun cho cây trồng.

            - Mặc quần áo bảo hộ trong khi chuẩn bị và phun chế phẩm bảo vệ thực vật. Rửa tay sau khi sản xuất và sử dụng chế phẩm bảo vệ thực vật.

ĐT