1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

- Diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5-2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp.

- Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 1% tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực: lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, chè, hồ tiêu, cà phê, điều, dừa...

- Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1 - 2% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước. Các sản phẩm chăn nuôi được chứng nhận hữu cơ theo tiềm năng thế mạnh được ưu tiên: Sữa, sản phẩm mật ong, sản phẩm yến sào, thịt gia súc gia cầm...

- Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 0,5-1,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó một số loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế: tôm nước lợ, tôm càng xanh, các loài thủy sản bản địa...

- Diện tích sản xuất muối dinh dưỡng hữu cơ đạt khoảng 5 - 10% tổng diện tích sản xuất muối dinh dưỡng.

- Đối với sản phẩm dược liệu và lâm sản ngoài gỗ từ tự nhiên, tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng 90 - 95%, đối với hình thức thâm canh (sử dụng môi trường rừng để sản xuất) tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng 75 - 80%.

- Nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích; giá trị sản phẩm trên 01 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

- Sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ trong nước đạt 3 triệu tấn vào năm 2020 và tăng dần trong các năm tiếp theo, tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón lên 15% năm 2025; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%.

b) Đến năm 2030

- Diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5 - 3% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp.

- Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực: lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, chè, hồ tiêu, cà phê, điều, dừa...

- Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2-3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước. Các sản phẩm chăn nuôi được chứng nhận hữu cơ bao gồm: Sữa, sản phẩm mật ong, sản phẩm yến sào, thịt gia súc gia cầm...

- Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 1,5 - 3% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó một số loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế: tôm nước lợ, tôm càng xanh, các loài thủy sản bản địa...

- Diện tích sản xuất muối dinh dưỡng hữu cơ đạt khoảng trên 10% tổng diện tích sản xuất muối dinh dưỡng.

- Đối với sản phẩm dược liệu và lâm sản ngoài gỗ từ tự nhiên, tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng 95 - 98%, đối với hình thức thâm canh (sử dụng môi trường rừng để sản xuất) tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng 80 - 85%.

- Giá trị sản phẩm trên 01 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,5 -1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

III. NHIỆM VỤ

1. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung và các sản phẩm hữu cơ chủ lực

Ưu tiên sử dụng các vùng có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi để sản xuất hữu cơ; ưu tiên lựa chọn loại cây trồng, vật nuôi và giống cây trồng, vật nuôi thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng, chống chịu sâu bệnh và có thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.

Hình thành vùng sản xuất các sản phẩm bản địa, đặc trưng có tiềm năng để xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm để đầu tư sản xuất hữu cơ.

a) Vùng trồng trọt hữu cơ

Xác định được các vùng sản xuất hữu cơ phù hợp với các sản phẩm chủ lực như lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, chè, hồ tiêu, cà phê, dừa, điều... cần có kế hoạch chuyển đổi các vùng đang sản xuất các sản phẩm chủ lực này sang sản xuất hữu cơ.

- Vùng lúa hữu cơ: diện tích gieo trồng khoảng 50 - 70 nghìn ha năm 2025 và khoảng 100 - 150 nghìn ha năm 2030.

- Vùng rau đậu hữu cơ: diện tích gieo trồng đạt khoảng 10 nghìn ha năm 2025 và trên 20 nghìn ha năm 2030.

- Vùng cây ăn quả các loại hữu cơ: diện tích trồng đạt khoảng 10 - 12 nghìn ha năm 2025 và khoảng 20 - 25 nghìn ha năm 2030.

- Vùng chè hữu cơ: diện tích trồng đến năm 2025 đạt khoảng 1,5 - 2 nghìn ha, năm 2030 khoảng 3 - 5 nghìn ha.

- Vùng hồ tiêu hữu cơ: diện tích hồng đến năm 2025 đạt khoảng 1,5 - 2 nghìn ha, năm 2030 đạt khoảng 3 - 4 nghìn ha.

- Vùng cà phê hữu cơ: diện tích hồng đạt khoảng 6 - 8 nghìn ha năm 2025 và khoảng 12 - 15 nghìn ha năm 2030

- Vùng điều hữu cơ: diện tích trồng đến năm 2025 đạt khoảng 1 - 1,5 nghìn ha, năm 2030 đạt khoảng 2 - 3 nghìn ha.

- Ngoài ra còn các vùng cây trồng hữu cơ tập trung khác như vùng dừa hữu cơ khoảng 2-4 nghìn ha, vùng ca cao hữu cơ tập trung khoảng 100 ha...

b) Vùng chăn nuôi hữu cơ

Xây dựng các vùng chăn nuôi hữu cơ với các sản phẩm chủ lực như: Sữa, sản phẩm mật ong, sản phẩm yến, thịt gia súc gia cầm... riêng vùng chăn nuôi trâu, bò hữu cơ gắn với vùng đồng cỏ, vùng trồng trọt sản xuất thức ăn thô xanh hữu cơ.

- Vùng chăn nuôi trâu, bò hữu cơ: đàn trâu, bò đến năm 2025 đạt khoảng 100 - 150 nghìn con và đến năm 2030 đạt khoảng 160 - 180 nghìn con, trong đó bò sữa khoảng 10-15 nghìn con năm 2025 và khoảng 20 - 30 nghìn con năm 2030.

- Vùng chăn nuôi lợn hữu cơ: đàn lợn đạt khoảng 250 - 400 nghìn con năm 2025 và khoảng 600 - 800 nghìn con năm 2030.

- Vùng chăn nuôi gia cầm hữu cơ: đàn gia cầm đạt khoảng 5 - 8 triệu con năm 2025 và khoảng 9 - 12 triệu con năm 2030, trong đó đàn gà hữu cơ khoảng 9 - 10 triệu con.

- Vùng nuôi ong hữu cơ: sản lượng mật ong hữu cơ khoảng 5 - 8 nghìn tấn.

c) Vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ

Xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ với các sản phẩm chủ lực như tôm nước lợ, tôm càng xanh, các loài thủy sản bản địa... Phát triển vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ gắn với thị trường trong nước, xuất khẩu. Vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ tập trung với diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 60 - 80 nghìn ha.

d) Vùng sản xuất muối dinh dưỡng hữu cơ

Vùng sản xuất muối dinh dưỡng hữu cơ đạt khoảng 1,7 - 2 nghìn ha.

đ) Vùng sản xuất, khai thác sản phẩm từ tự nhiên

Xây dựng và phát triển vùng sản xuất hữu cơ được chứng nhận từ các vùng sản xuất, khai thác sản phẩm tự nhiên (rừng tự nhiên, ao hồ, sông suối tự nhiên).

2. Phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm hữu cơ

- Xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ tại các vùng sản xuất tập trung tạo ra hàng hóa quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực.

- Khuyến khích các hình thức sản xuất quy mô hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác sản xuất các sản phẩm đặc sản bản địa, sản phẩm khai thác từ tự nhiên có giá trị gia tăng cao và giá trị truyền thống.

- Đẩy mạnh phong trào xây dựng vườn cây hữu cơ gắn với thu gom rác thải, làm phân hữu cơ, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp ở các xã nông thôn mới.

3. Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ

- Xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật theo hướng ứng dụng công nghệ cao kết hợp với phát huy kiến thức bản địa, sản xuất hữu cơ gắn với chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính.

- Nghiên cứu phát triển và ứng dụng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ sinh học, tác nhân phòng trừ sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thay thế kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; các chế phẩm sinh học xử lý môi trường nông nghiệp.

- Nghiên cứu, đánh giá thực trạng độ phì nhiêu đất, nhu cầu dinh dưỡng cho các cây trồng chủ lực phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững.

- Bảo tồn, phục tráng, khai thác, phát triển và xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, đặc hữu, có lợi thế so sánh và giá trị kinh tế cao.

- Nghiên cứu và phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao và giá trị sinh học đặc thù, đảm bảo tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe của người dân.

- Nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, đặc biệt kháng sâu bệnh, phù hợp với sản xuất hữu cơ; nghiên cứu, phát triển và sử dụng con giống, vật tư đầu vào hữu cơ trong nuôi trồng thủy sản.

- Triển khai thí điểm các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ (trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, dược liệu và muối) gắn với chuỗi giá trị cho một số sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của các địa phương và mô hình nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ tại danh mục kèm theo; từng bước nhân rộng mô hình.

4. Đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực

- Nâng cao năng lực cho các cán bộ, công chức các cấp làm công tác quản lý, kiểm tra giám sát các tổ chức chứng nhận và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

- Nâng cao năng lực chứng nhận sản phẩm hữu cơ cho các tổ chức chứng nhận.

- Đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ.

- Tăng cường giáo dục về nông nghiệp hữu cơ cho học sinh phổ thông và sinh viên các trường dạy nghề, cao đẳng và trường đại học thuộc lĩnh vực nông lâm thủy sản.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sản xuất hữu cơ, tăng cường công tác đào tạo chuyên gia chuyên sâu về nông nghiệp hữu cơ (ở cả trung ương và địa phương); nâng cao chất lượng đào tạo, thành lập cơ sở đào tạo chuyên sâu về nông nghiệp hữu cơ được cơ quan quản lý nhà nước chỉ định.

5. Phát triển các tổ chức chứng nhận, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy trình kỹ thuật

- Hỗ trợ, tạo điều kiện để thành lập và phát triển các tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam.

- Từng bước hình thành hệ thống tổ chức chứng nhận của Việt Nam được thừa nhận bởi các quốc gia nhập khẩu, tổ chức chứng nhận quốc tế.

- Các tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam phải thực hiện đúng và nghiêm túc việc quản lý giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp hữu cơ do đơn vị chứng nhận.

- Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật phục vụ sản xuất và quản lý nông nghiệp hữu cơ.

6. Tăng cường chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm hữu cơ

- Ưu tiên chế biến các sản phẩm hữu cơ bao gồm các món ăn, các loại thực phẩm, đồ uống, thuốc dược liệu, mỹ phẩm...để nâng cao giá trị gia tăng.

- Xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao để chế biến sâu, tinh chế tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có giá trị cao mang thương hiệu Việt Nam.

- Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và phát triển thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.

- Khuyến khích các doanh nghiệp đưa các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích và chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn.

7. Phát triển các vật tư đầu vào phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ

- Công bố công khai danh mục các vật tư đầu vào đảm bảo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.

- Xây dựng chính sách khuyến khích sử dụng vật tư đầu vào hữu cơ để sản xuất sản phẩm hữu cơ trong các lĩnh vực nông lâm thủy sản.

- Đa dạng nguồn sản phẩm làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản hữu cơ như các loại thức ăn xanh, ủ chua, sấy khô, bột cá... để phát triển chăn nuôi, thủy sản hữu cơ. Phát triển và sử dụng con giống, vật tư đầu vào hữu cơ trong nuôi trồng thủy sản.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về nông nghiệp hữu cơ

a) Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung

- Các địa phương căn cứ vào lợi thế về điều kiện sinh thái, sản phẩm có thế mạnh và thị trường tiêu thụ, xác định các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chủ lực, trên cơ sở đó tiến hành xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, đánh giá đất đai, nguồn nước, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung, kêu gọi các doanh nghiệp, các hợp tác xã và người dân có nhu cầu sản xuất hữu cơ đầu tư vào sản xuất.

- Xây dựng hệ thống phân phối theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ (kết hợp với du lịch, nông nghiệp sinh thái) theo đặc thù vùng miền, qua đó tổng kết bài học thành công để hoàn thiện các quy trình kỹ thuật và tập huấn, chuyển giao.

- Tăng cường sử dụng vật liệu sẵn có, tái sử dụng, khép kín chu trình trong khu vực sản xuất tạo tiền đề cho sự phát triển nông nghiệp hữu cơ ổn định (thông qua sử dụng sản phẩm từ trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản và cung cấp nguyên liệu làm phân bón hữu cơ cho trồng trọt).

- Xác định các vùng có tiềm năng thế mạnh về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để khuyến khích các doanh nghiệp, các hợp tác xã và người dân có nhu cầu sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đầu tư vào sản xuất.

b) Quản lý đầu vào của sản xuất hữu cơ

- Quản lý giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.

- Quản lý chặt chẽ vật tư đầu vào được sử dụng trong sản xuất hữu cơ: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất bảo quản, chất phụ gia...

- Quản lý nguồn nước sử dụng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ: nước tưới cho cây trồng, nước dùng cho vật nuôi, nuôi trồng thủy sản...

- Quản lý các quy trình canh tác cây trồng hữu cơ, quy trình chăm sóc vật nuôi và thủy sản hữu cơ.

c) Quản lý sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

- Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam khi lưu thông trên thị trường phải được chứng nhận và có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, lôgô sản phẩm tương ứng với tiêu chuẩn đã được chứng nhận.

- Các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ và chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo quy định để đảm bảo chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn đã được chứng nhận khi lưu thông trên thị trường.

- Thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hữu cơ tại từng công đoạn sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

2. Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ

- Tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đã có: Thực hiện các cơ chế chính sách đã ban hành về nông nghiệp hữu cơ (thực hiện các khoản 1, 2, 3 Điều 16 và khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 17 chương VI về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ theo Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ).

- Hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống văn bản pháp luật để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

- Xây dựng cơ chế chính sách mới, đặc biệt là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đầu tư trong lĩnh vực này.

3. Thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

- Xây dựng Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030.

4. Xây dựng và nhân rộng mô hình điểm nông nghiệp hữu cơ

- Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia thành lập các tổ chức chứng nhận trong nước có uy tín và đầu tư xây dựng các mô hình nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến các sản phẩm hữu cơ.

- Xây dựng mô hình khuyến nông về sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; hoàn thiện các quy trình kỹ thuật, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân.

- Xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ theo liên kết chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm hữu cơ và nhân rộng theo các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, muối.

- Xây dựng mô hình về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông nghiệp hữu cơ.

5. Thông tin tuyên truyền

- Truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về nông nghiệp hữu cơ.

- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và thực thi các chính sách, pháp luật, các tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ để tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong sử dụng, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất và nha quản lý về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, giám sát, chứng nhận nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ.

- Hỗ trợ các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Nguồn vốn:

- Vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, nguồn tài trợ, viện trợ, nguồn huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

- Vốn ngân sách thông qua việc hỗ trợ xây dựng các đề án, dự án, tư vấn kỹ thuật và cơ sở hạ tầng của các bộ ngành và lồng ghép từ chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, kinh phí khoa học công nghệ, khuyến nông, các d